Thủ đoạn phổ biến của tội phạm mua bán người
Thời gian gần đây, tình hình mua bán người ra nước ngoài trên tuyến biên giới có chiều hướng diễn biến phức tạp. Không chỉ ở những nơi đời sống kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí hạn chế mà ngay cả tại BR-VT cũng đã xảy ra các vụ buôn bán người với tính chất phức tạp.
Từ năm 2015 đến nay, qua công tác nắm tình hình, BĐBP tỉnh đã phát hiện, triệt phá thành công 2 đường dây mua bán người xuyên quốc gia; bắt giữ, khởi tố 2 vụ/4 đối tượng và giải cứu 2 nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc.
Cụ thể, giữa năm 2017, BĐBP tỉnh đã triệt phá đường dây mua bán người do đối tượng Bùi Thị Sang (tên thường gọi là “Đình Đình”, SN 1984, trú tại thôn Phước Long, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành) cầm đầu; giải cứu nạn nhân là bà V.T. H. (SN 1968, trú tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thành). Tháng 11-2017, TAND tỉnh đã tuyên phạt Sang 7 năm tù về tội mua bán người. Trước đó, vào tháng 5-2015, sau 2 tháng lập chuyên án 259N, lực lượng đặc nhiệm phòng chống tội phạm BĐBP tỉnh đã đấu tranh thành công, triệt phá đường dây mua bán người xuyên quốc gia xảy ra tại địa bàn huyện Đất Đỏ. Đường dây này do Nguyễn Thị Hiên (sinh năm 1985, HKTT tại Bến Tre) cầm đầu, ban chuyên án đã giải cứu 1 nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc là chị N. T. H, bắt 3 đối tượng, gồm: Nguyễn Thị Hiên, Vũ Thị Kim Loan (SN 1968, trú tại TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) và Nguyễn Thị Hải (SN 1982, trú tại phường 11, TP. Vũng Tàu). Ngày 30-3-2016, TAND tỉnh đã tuyên phạt Hiên 6 năm tù; Loan và Hải cùng 5 năm tù về tội mua bán người.
Lực lượng Biên phòng làm việc với một đối tượng trong đường dây mua bán người do Nguyễn Thị Hiên cầm đầu vào năm 2015. |
Là trinh sát trực tiếp điều tra và triệt phá 2 vụ mua bán người sang Trung Quốc nói trên, Trung tá Hoàng Trọng Hiệp (hiện đang là Phó Trạm trưởng Đồn Biên phòng Bến Đá) cho biết, thủ đoạn của các đối tượng là thường lân la làm quen với phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vẽ ra cho họ viễn cảnh sẽ có công việc nhàn hạ, lương cao để dụ dỗ họ ra nước ngoài và sau đó lừa bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ hoặc ép làm nô lệ tình dục ở các động mại dâm.
“Hoạt động mua bán người qua biên giới diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Các đường dây lừa đảo, mua bán người được tổ chức chặt chẽ từ đối tượng chủ mưu đến đối tượng môi giới ở trong và ngoài nước. Khó khăn lớn nhất trong công tác xác minh, điều tra là nạn nhân đang bị bắt làm vợ ở Trung Quốc; đối tượng mua bán người cũng định cư ở đây. Do đó, việc giải cứu nạn nhân và điều chuyển đối tượng từ Trung Quốc về Việt Nam không hề đơn giản. Mỗi một vụ án, phải mất rất nhiều thời gian và phối hợp cùng nhiều lực lượng với những tính toán kỹ lưỡng để vừa có thể tóm gọn đối tượng, vừa giải cứu an toàn cho nạn nhân”, Trung tá Hoàng Trọng Hiệp chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, thời gian qua, trên cả nước đã ghi nhận thêm thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người là đưa phụ nữ sang các nước Đông Nam Á để hoạt động mại dâm, sau đó tiến hành mua bán. Đây là hình thức “giăng bẫy” rất khó để phát hiện và đối phó. Trước thủ đoạn mới của loại tội phạm mua bán người, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa, nhất là cho những phụ nữ trẻ, chưa có nghề nghiệp ổn định.
Việc triệt phá 2 vụ án mua bán người xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, tội phạm mua bán người tuy chưa xảy ra ở mức độ dày đặc nhưng đủ để gióng lên các hồi chuông cảnh báo. Để phòng chống hiệu quả loại tội phạm này, ngoài vai trò nắm chắc địa bàn từ lực lượng chức năng, điều quan trọng nhất vẫn là sự chủ động phòng chống từ phía người dân. Đặc biệt, trong bối cảnh kết nối thông tin đa chiều từ internet và các mạng xã hội, người dân cần đặc biệt chú ý đến các thông tin với những nội dung như: Mời xuất khẩu lao động, mai mối lấy chồng nước ngoài… Khi phát hiện các thông tin và đối tượng khả nghi, người dân cần chủ động liên hệ với cơ quan chức năng, góp phần cùng giành thế chủ động trong cuộc chiến chống nạn buôn bán người.
Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM