.

Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

Cập nhật: 19:08, 27/02/2018 (GMT+7)

Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là nhiệm vụ quan trọng của ngành Tư pháp. Qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các văn bản còn sai sót, chưa đúng quy định.

PHÁT HIỆN, XỬ LÝ KỊP THỜI CÁC SAI SÓT

Chuyên viên Sở Tư pháp kiểm tra văn bản.
Chuyên viên Sở Tư pháp kiểm tra văn bản.

Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra nhiều VBQPPL, qua đó phát hiện một số văn bản có sai sót về căn cứ, thể thức, kỹ thuật trình bày. Điển hình là Quyết định số 3803/QĐ-UBND do Sở LĐTBXH chủ trì soạn thảo, trình UBND tỉnh ban hành quy định mức trợ cấp, mức hỗ trợ cho đối tượng đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà ở xã hội tại huyện Đất Đỏ và Trung tâm Giáo dục lao động và dạy nghề. Qua kiểm tra, Sở Tư pháp phát hiện nội dung của quyết định này gần như nêu lại toàn bộ nội dung của Thông tư liên tịch số 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 8-10-2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ LĐTBXH. Do đó, các quy định của Quyết định số 3803/QĐ-UBND có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức VBQPPL theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, mà lại ban hành theo hình thức cá biệt là vi phạm trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL.

Tương tự, kiểm tra Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 22-9-2017 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý các khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quyết định số 25) do Sở Xây dựng là đơn vị chủ trì soạn thảo, tham mưu UBND tỉnh, Sở Tư pháp cũng phát hiện trong Quyết định này chưa xác định được hiệu lực thi hành của quyết định và còn sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày. Ví dụ: Theo quy định, VBQPPL chỉ được viết tắt khi đã được chú thích, tuy nhiên ở Quyết định số 25 chưa tuân thủ quy định này mà sử dụng cụm từ viết tắt: HĐND, UBND…, cách đánh số trang của văn bản cũng chưa đúng quy định.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều VBQPPL có sai sót được phát hiện trong thời gian qua, góp phần giúp cơ quan ban hành văn bản sửa chữa kịp thời, ngăn ngừa hậu quả. Theo Sở Tư pháp, năm 2017, Phòng Xây dựng và Kiểm tra VBQPPL của cơ quan này đã tiến hành tự kiểm tra 46 văn bản, gồm: 41 VBQPPL và 5 văn bản cá biệt do UBND tỉnh ban hành (tăng 83% so với năm 2016). Qua đó đã phát hiện 8 VBQPPL có sai sót về căn cứ, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản; 3 văn bản cá biệt trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Ngoài ra, trong thời gian qua, Sở Tư pháp còn thực hiện thẩm định 115 dự thảo văn bản và góp ý 362 dự thảo văn bản do các sở, ngành, UBND tỉnh gửi đến để các văn bản được ban hành đúng quy định về trình tự thủ tục, thể thức và nội dung.

Khi phát hiện văn bản có khiếm khuyết, Sở Tư pháp luôn có báo cáo kết quả kiểm tra văn bản gửi UBND tỉnh, đồng thời gửi cơ quan chủ trì soạn thảo biết để chủ động phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh xử lý.

NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ PHÁP LÝ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Xây dựng và Kiểm tra VBQPPL, Sở Tư pháp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến một số văn bản có nội dung trái pháp luật và sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất vẫn là ngay từ khâu xây dựng, soạn thảo văn bản, đa số lãnh đạo các Sở, ngành thường giao cho phòng chuyên môn thực hiện nhưng không có sự phối hợp với công chức được giao nhiệm vụ pháp chế tại đơn vị. Thêm vào đó, sự am hiểu về thể thức, nội dung văn bản theo quy định hiện hành của một số công chức được giao nhiệm vụ pháp chế tại các sở, ngành còn hạn chế. “Vì vậy, các sở, ngành, cần bố trí người có năng lực làm nhiệm vụ pháp chế, đồng thời phải luôn có sự phối hợp, tham gia ý kiến của công chức làm nhiệm vụ pháp chế với phòng chuyên môn được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản trong quá trình xây dựng văn bản”, bà Yến nói.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra VBQPPL trong thời gian tới, Sở Tư pháp đã đề nghị Bộ Tư pháp mở các lớp tập huấn chuyên sâu để nâng cao năng lực chuyên môn cho công chức làm công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa VBQPPL theo quy định.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Theo Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, các địa phương cần chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản; tăng cường tự kiểm tra, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm đầu tư kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, xử lý văn bản; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức làm công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý VBQPPL; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, đầu mối là Cục Kiểm tra VBQPPL và các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra văn bản.

 

.
.
.