.

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo bằng giấy tờ giả

Cập nhật: 20:48, 25/01/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc sử dụng giấy tờ giả rất phức tạp. Bằng kỹ thuật in ấn hiện đại, công nghệ làm giả các giấy tờ rất tinh vi, khó phát hiện bằng mắt thường. Vì vậy, khi thực hiện giao dịch về tài sản có liên quan đến giấy tờ thế chấp, mọi người cần phải cảnh giác để tránh thiệt hại.

Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh ngày 17-1 vừa qua, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Trương Hồng Hạnh (SN 1983, trú tại TP.Vũng Tàu) 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 9 tháng tù về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tổng cộng hình phạt 9 năm 9 tháng tù.

Bị cáo Trương Hồng Hạnh.
Bị cáo Trương Hồng Hạnh.

Theo cáo trạng, ngày 31-10-2016, Hạnh được cha ruột tặng căn nhà số 34, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu (tờ bản đồ số 2, với diện tích 28,6m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang số CC914323 do UBND TP.Vũng Tàu, cấp ngày 26-9-2016). 

Ngày 2-11-2016, Hạnh đã dùng giấy tờ này để thế chấp ngân hàng vay vốn. Sau đó, do làm ăn thất bại, phát sinh nợ nần, Hạnh đã nảy sinh ý định làm giả “sổ đỏ” để vay tiền của người khác.

Hạnh đã nhờ một người đàn ông quen qua mạng làm giả 3 “sổ đỏ” và 1 giấy chứng nhận độc thân với giá 40 triệu đồng. 2 bên liên hệ qua điện thoại sim rác và giao tiền, giao giấy tờ giả qua xe khách tuyến Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh. Sau đó, Hạnh đã sử dụng số giấy tờ giả nói trên vay 350 triệu đồng của anh Thái Quốc V. (trú tại TP.Vũng Tàu), lãi suất hai bên thỏa thuận. 

Đầu tháng 2-2017, anh V. nghi ngờ về tính hợp lệ của số giấy tờ nhà đất nói trên nên đã đến Phòng công chứng số 3 (phường 3, TP.Vũng Tàu) để kiểm tra và phát hiện toàn bộ số giấy tờ được thế chấp đều là giả. Anh V. đã trình báo vụ việc lên cơ quan công an.  

Cuối tháng 2-2017, Hạnh tiếp tục liên hệ với anh V. để vay tiền. anh V. hẹn Hạnh đến nhà giao dịch, đồng thời báo cơ quan công an. Khi Hạnh vừa đến nhà thì bị Công an phường 4 bắt giữ. Để lật tẩy trò lừa đảo của Hạnh.

Thời gian gần dây, hành vi làm giả các loại giấy tờ như “sổ đỏ”, bằng cấp, giấy khám sức khỏe khá phức tạp. Trên địa bàn BR-VT, cơ quan công an đã từng phá một ổ nhóm làm giả giấy tờ có quy mô, giao dịch rộng khắp. Cụ thể, vào tháng 7-2017, Cơ quan An ninh điều tra (PA92) - Công an tỉnh đã triệt phá thành công vụ án Bùi Văn Hùng (SN 1977, trú tại huyện Tân Thành) và các đồng phạm về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hùng cùng các đồng phạm chuyên làm các loại bằng cấp giả, giấy khám sức khỏe giả và bán cho những người có nhu cầu với giá từ 100 ngàn đồng đến vài chục triệu đồng tùy loại.

Các loại giấy tờ như bằng cấp, “sổ đỏ” hiện được làm giả tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường.
Các loại giấy tờ như bằng cấp, “sổ đỏ” hiện được làm giả tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường.

“Dịch vụ” làm giả giấy tờ thậm chí cũng được quảng cáo rất nhiều trên mạng. Phóng viên đã thử vào trang “lamgiayto” và liên hệ đến số điện thoại có trên trang này (0933.159.7XX) và nhận lời chào mời hấp dẫn: “Mọi loại giấy tờ đều xong trong vòng 3 ngày, chất lượng y như thật”.

Trung tá Nguyễn Nguyện Luân, Trưởng Phòng PA92 cho biết, các loại giấy tờ giả được các đối tượng làm tinh vi, rất khó phân biệt bằng mắt thường. Các đối tượng này cho người đi tiếp thị tại các khu công nghiệp có đông công nhân, hoặc dùng số điện thoại khuyến mại để bán giấy tờ giả cho người có nhu cầu. Trong khi đó, việc giao dịch, mua bán xảy ra chớp nhoáng, rất khó cho việc theo dõi, bắt quả tang các đối tượng. 

Trước diễn biến phức tạp của hành vi làm giả, giấy tờ, cơ quan chức năng khuyến cáo, khi người dân giao dịch tài sản có giá trị lớn bằng việc cầm cố các loại giấy tờ có giá, cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ và tốt nhất là công chứng để phân biệt thật - giả, tránh bị thiệt hại tài sản.

Bài, ảnh: LÊ NGUYỄN

.
.
.