.

KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT - NHÀ TÙ CÔN ĐẢO: Trại Phú Hải, nơi trui rèn ý chí Cách mạng

Cập nhật: 22:17, 20/07/2020 (GMT+7)

Trại Phú Hải là một trong những nhà tù thuộc hệ thống biệt giam do Pháp lập nên. Từ thời Pháp đến Mỹ - Ngụy, nơi đây từng giam cầm nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Do vậy, trại Phú Hải được xem là cái nôi trui rèn, trưởng thành về lí luận chính trị, văn hóa cho nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta.

Trại Phú Hải có đầy đủ các công trình phục vụ đời sống tinh thần cho tù nhân nhưng thực tế để qua mắt dư luận quốc tế. Ảnh: ĐAN CHÂU
Trại Phú Hải có đầy đủ các công trình phục vụ đời sống tinh thần cho tù nhân nhưng thực tế để qua mắt dư luận quốc tế. Ảnh: ĐAN CHÂU

TRẠI TÙ CỔ NHẤT 

Trại Phú Hải nằm ở trung tâm thị trấn Côn Đảo, trên đường Lê Văn Việt, cách bờ biển 50m. Đây là trại giam cổ nhất, được Pháp lập từ năm 1862 và xây dựng kiên cố từ năm 1889 đến năm 1896 thì hoàn chỉnh. Thời Pháp trại có tên là Bange 1. Sau đó được đổi thành Lao 2, trại 2 và trại Phú Hải sau Hiệp định Paris năm 1973. Trại rộng hơn 12.000m² với 10 phòng giam tập thể, trong đó có 1 phòng tử hình, 20 hầm đá biệt giam, 2 hầm xay lúa đồng thời là phòng trừng giới và 1 khu đập đá. Trong khuôn viên trại có đầy đủ các công trình phục vụ đời sống tinh thần cho tù nhân như: câu lạc bộ, nhà bếp, nhà ăn, nhà hớt tóc, giếng nước, nhà kho, văn phòng, giảng đường, bệnh xá, nhà thờ. Tuy nhiên, tất cả đều được dựng lên để đối phó với các đoàn giám sát về nhân quyền của quốc tế và đánh lừa dư luận.

Trại Phú Hải giam giữ chủ yếu tù chính trị. Thời kháng chiến chống Pháp, dãy khám bên trái (6 - 7 - 8 - 9 - 10) được sử dụng làm khu biệt lập từ tháng 3/1951 để giam giữ các “phần tử nguy hiểm”. Khu vực này trở thành cơ quan lãnh đạo của liên đoàn tù nhân và đảo ủy từ năm 1951 đến năm 1952. Theo quy chế, tù chính trị không phải lao động khổ sai. Bên cạnh đó, với ưu thế nằm kề trại Phú Thọ, cũng là nơi giam giữ tù chính trị, các chiến sĩ cộng sản đã liên hệ và phối hợp mật thiết trong sinh hoạt và đấu tranh. Nhờ đó, những người cộng sản đã sớm tổ chức việc học tập lý luận và văn hóa một cách bài bản, cho các đối tượng có trình độ khác nhau, từ “Cộng Sản sơ giản” đến sơ cấp, trung cấp và cao cấp về lý luận Mác - Lênin. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đã trưởng thành về lý luận tại các lớp học ở đây. Tù chính trị bị giam cầm tại đây đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh từ thấp đến cao, từ chống ký kiến nghị phản động, đến chống chào cờ và chống toàn bộ nội quy nhà tù.

Phòng giam số 3 trong trại Phú Hải.
Phòng giam số 3 trong trại Phú Hải.

DẤU ẤN NHỮNG NGƯỜI TÙ LỮNG LẪY 

Qua các giai đoạn, nhiều sĩ phu yêu nước như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh… cho đến những nhà cách mạng nổi tiếng như: Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn An Ninh… từng bị giam giữ nơi đây. Đến thăm Trại Phú Hải hôm nay, khí phách quật cường của các chí sĩ yêu nước cách mạng vẫn còn mãi vang vọng. 

Khu đập đá khổ sai, nơi chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh cảm tác nên bài “Đập đá Côn Lôn”: Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/Lừng lẫy làm cho lở núi non…/Những kẻ vá trời khi lỡ bước/Gian nan chi kể sự con con. 

Nếu khu đập đá khổ sai in khí phách hiên ngang giữa gông cùm lao tù thì hầm xay lúa rạng danh tên tuổi người chiến sĩ cách mạng kiên trung - Tôn Đức Thắng. Để đày đọa người tù, thực dân Pháp bắt lao động khổ sai trong hầm xay lúa nhưng hầm được xây kín. Đa phần tù nhân lao động trong hầm đều chết vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc bị đánh đập do không hoàn thành phần việc. Biết đồng chí Tôn Đức Thắng là một thợ sửa máy lành nghề, chúng đưa đến làm việc tại Sở Lưới chuyên sửa canô. Năm 1945, chiếc canô do bác Tôn sửa mang tên Giải Phóng được chính Bác cầm lái đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo cách mạng trở về đất liền. 

Hay câu chuyện vượt ngục ngay tại phòng giam số 3 cũng để lại tiếng vang lớn, đánh dấu cuộc vượt ngục đầu tiên trong lịch sử nhà tù Côn Đảo. Phòng giam số 3 là phòng giam tù tử hình được canh gác nghiêm ngặt. Để thực hiện vượt ngục, đồng chí Lê Văn Việt, Trung đội trưởng 5F100 biệt động Sài Gòn - Gia Định cùng 2 bạn tử tù là đồng chí Lê Hồng Tư và Phạm Văn Dẫu gồng gánh nhau lên trổ mái nhà, quan sát hành động của cai ngục. Biết mỗi ngày có từ 5 đến 10 phút không có người canh gác do cai ngục đổi ca, các đồng chí đã tranh thủ chớp lấy thời cơ này để vượt ngục vào đêm 12/10/1966. Vượt ngục thành công, các đồng chí tìm nơi ẩn náu chờ lúc thuận tiện để về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, trong quá trình ẩn nấp, 3 đồng chí lần lượt bị địch phát hiện bắt lại đánh đập, tra tấn dã man rồi hi sinh. Sau cuộc vượt ngục này, bọn cai tù phải cho giăng dây thép gai tất cả phòng giam tại Trại Phú Hải.

Bài, ảnh: ĐAN CHÂU
(Còn nữa)

* Nơi in đậm tội ác chiến tranh

 
.
.
.