Ốc vú nàng - Hải sản trứ danh ở Côn Đảo
Ốc vú nàng từ xa xưa đã được xem là loài ốc quý hiếm, là một trong những đặc sản trứ danh ở vùng biển Côn Đảo. Loài hải sản này dễ chế biến thành nhiều món khác nhau và món nào cũng “bén mồi” không kém.
Ốc vú nàng nướng mỡ hành. |
Sinh sống ở vùng nhiệt đới và ôn đới, ốc vú nàng được tìm thấy ở vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương như quần đảo Hawaii, Nhật Bản, vùng biển châu Úc , Biển Đỏ, Mauritius, Madagascar, Nam Phi và các hòn đảo cận Nam cực.
Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam, ốc vú nàng sinh sống tại các vùng biển từ miền Trung trở vào, nhưng đặc biệt có rất nhiều ở vùng biển Côn Đảo, tỉnh BR-VT. Hiện nay, Côn Đảo có 3 loài ốc vú nàng, gồm: loài Cellana nigrolineata, loài Patella ulyssiponensis và loài Cellana testudinaria.
Tại vùng biển Côn Đảo, ốc vú nàng xuất hiện quanh năm, nhưng nhiều nhất là những ngày trăng tròn giữa tháng. Ốc vú nàng thường bám chặt vào các ghềnh đá trên mặt biển, chúng mở vỏ cho nước biển lùa vào mang theo các loài vi sinh vật. Đó cũng là cách thức tiếp nhận nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng của ốc vú nàng. Bởi thế, người đi bắt ốc vú nàng phải ngâm mình trong nước biển, len lỏi vào các hốc đá, lấy mũi dao nhọn cứng tách miệng ốc ra khỏi chỗ bám vào ghềnh đá.
Côn Đảo là môi trường sinh sống lý tưởng của các loài ốc vú nàng. Ở đây, ốc vú nàng có chất lượng đặc biệt thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn độc đáo, vừa hợp khẩu vị của thực khách bình dân, vừa thỏa mãn nhu cầu của những người sành ăn.
Món thông dụng nhất được chế biến từ ốc vú nàng là luộc. Ốc chín tới vớt ra để nguội, rồi dùng mũi dao nhỏ cạy nhẹ, lấy thịt ốc ra khỏi vỏ, rửa sạch ốc rồi tưới thêm một lần nước sôi. Thịt ốc từ màu trắng ngà chuyển sang màu vàng là ăn được. Gia vị chấm không quá cầu kỳ, chỉ cần muối, tiêu, chanh, ớt là trở thành món ăn khoái khẩu vừa giòn, vừa thơm, vừa ngọt. Ốc vú nàng luộc không béo ngậy như thịt, không dai như sò, không nhuyễn như hàu. Nếu được thưởng thức những con ốc vú nàng ở thời kỳ ngậm sữa sẽ thấy vị thơm ngậy không lẫn với bất cứ món đặc sản nào. Nước luộc ốc vú nàng cũng hấp dẫn không kém, vừa có vị mặn, vừa ngọt đậm, có thể chế biến thành món canh riêu.
Gỏi ốc vú nàng cũng là một món khoái khẩu của những thực khách sành ăn. Cách chế biến món gỏi không quá cầu kỳ. Đầu tiên, đem ốc nguyên vỏ rửa sạch, luộc vừa chín tới, lấy thịt ốc ra thái mỏng theo chiều dọc rồi trộn đều với da heo hoặc thịt ba rọi thái nhỏ, rau răm, rau húng, dưa leo, đậu phộng rang, chanh tươi, ớt. Ốc vú nàng trộn gỏi thường được ăn với bánh tráng nướng, chấm nước mắm gừng, hương vị béo ngọt lạ lẫm, ăn một lần nhớ mãi không quyên.
Món ốc vú nàng hấp được chế biến khá đơn giản. Sau khi rửa sạch, người ta cho ốc vào nồi kèm theo củ sả giã nhuyễn cùng với nước mắm, thêm chút hạt nêm, rồi đem hấp cách thủy, khi ốc chín mềm là có thể ăn được.
Ngoài luộc, trộn gỏi, hấp, ốc vú nàng còn có thể xào tỏi và bơ. Món này thơm nồng hương tỏi, quyện cùng mùi vị béo ngậy của bơ, tạo thành món ăn khác lạ, vừa mang dấu ấn ẩm thực dân dã truyền thống, vừa phảng phất phong cách ẩm thực phương Tây.
Nhưng món ngon nhất của ốc vú nàng vẫn là món nướng. Ốc vú nàng để nguyên vỏ, rửa sạch, rồi đem nướng trên lò than đước, nước từ trong vỏ ốc chảy ra cháy xèo xèo tỏa mùi thơm nức. Ốc nướng xong, mang đập vỏ ốc vào đá để thịt ốc bong ra. Người ăn dễ dàng gỡ lấy thịt chấm cùng muối tiêu, chanh, ớt. Miếng thịt ốc nướng giòn ngọt, thơm lừng, nuốt qua họng vẫn cảm thấy vị ngọt của ốc, vị mặn của muối xen lẫn vị cay của ớt và vị chua của chanh.
Ốc vú nàng là đặc sản biển quý hiếm của vùng biển nước ta cũng như một số nước trên thế giới. Theo Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, Viện phó Viện Hải dương học Nha Trang, hiện nay, ốc vú nàng đang bị săn bắt quá nhiều nên ở một số nơi có nguy cơ tuyệt chủng. Tại vùng biển Khánh Hòa, ốc vú nàng cũng như nhiều loài hải sản đặc hữu của vịnh Nha Trang đã dần biến mất.
Hiện nay, chưa có phương pháp sinh sản nhân tạo để nuôi trồng và phát triển ốc vú nàng, do đó rất cần những biện pháp quản lý việc khai thác, săn bắt ốc vú nàng một cách hợp lý để bảo tồn và phát triển loại đặc sản biển quý hiếm này.
TRẦN BÌNH