KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT - NHÀ TÙ CÔN ĐẢO: Nơi in đậm tội ác chiến tranh

Chủ Nhật, 19/07/2020, 21:17 [GMT+7]
In bài này
.

KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT - NHÀ TÙ CÔN ĐẢO

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo, trong đó có hệ thống Nhà tù Côn Đảo tồn tại suốt 113 năm kể từ năm 1975 trở về trước, được xem là “Địa ngục trần gian” - nơi in đậm tội ác chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây, có khoảng 20.000 người đã ngã xuống và mãi mãi yên nghỉ trong Nghĩa trang Hàng Dương và trên mảnh đất thiêng Côn Đảo.

Một góc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Trong ảnh: Trại Phú Tường nhìn từ trên cao. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Một góc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Trong ảnh: Trại Phú Tường nhìn từ trên cao. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Nơi in đậm tội ác chiến tranh

Hệ thống nhà tù Côn Đảo được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như: tù phạm chính trị, tử tù... Nơi đây thời Pháp thuộc đã giam giữ những nhân vật tham gia các phong trào cách mạng và những người ái quốc chống lại chính phủ thuộc địa, và sau đó lại được Mỹ sử dụng để giam cầm tù binh trong cuộc chiến chống Mỹ.

Côn Đảo nằm giữa biển Đông, trên trục giao lưu Đông - Tây nên ngay từ thế kỷ XIII, tàu buôn các nước Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp… đã ghé thăm đảo. 

Năm 1857, Pháp xâm lược Việt Nam, lần lượt đánh chiếm Gia Định (năm 1859), Định Tường (năm 1861). Sau khi chiếm Định Tường, Pháp khẩn cấp chiếm Côn Đảo bởi dưới con mắt của thực dân Pháp, Côn Đảo là nơi lý tưởng có khả năng đáp ứng tốt nhất những nhu cầu đối với một nhà tù: Bốn bề biển cả mênh mông, cách biệt với đất liền, không có phương tiện, người tù khó bề trốn thoát. Khi bị giam trên đảo người tù sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người thân, bên ngoài xã hội và không thể chống đối được. Thực dân Pháp có thể thi hành bất cứ biện pháp đàn áp tra tấn nào mà dư luận thế giới không thể biết được. Ngày 28/11/1861, trung úy Lespès được lệnh của đô đốc Bonard, đưa chiến hạm Nogagaray tới đánh chiếm Côn Đảo. Nhà tù Côn Đảo được đô đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập ngày 1/2/1862 để giam những tội nhân mang án từ 1 đến 10 năm. Phó hạm trưởng Félix Roussel được chỉ định làm chỉ huy trưởng quần đảo kiêm quản đốc đầu tiên của Nhà tù Côn Đảo. Ngày 31/01/1873 thống đốc Nam kỳ Dupré ra nghị định ban hành quy chế riêng cho đề lao Côn Đảo. Sau nhiều năm thi hành bổ sung và sửa đổi, bản quy chế hoàn chỉnh nhất, gồm 20 chương, 109 điều được ban hành vào ngày 17/5/1916. Bản quy chế này được áp dụng cho đến ngày cáo chung của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương. 

Trong hơn nửa thế kỷ đầu, nhà tù Côn Đảo chỉ có 1 trại giam (Bagne I, tên gọi hiện nay là Phú Hải). Với nguồn tài chính bổ sung từ ngân sách liên bang (Đông Dương), Banh II được khởi công từ năm 1917 và đưa vào sử dụng vào năm 1928. Banh III tiếp tục được xây dựng và được sử dụng năm 1939. Banh phụ của Banh III cùng hai dãy chuồng cọp được sử dụng từ 1944. Năm 1955, thiếu tá Aloise Blanck bàn giao lại nhà tù này cho chính quyền Sài Gòn, chấm dứt gần một thế kỷ tội ác của thực dân Pháp trên quần đảo.

Trong 20 năm sau cùng của nhà tù này, Mỹ - Ngụy đã tăng quy mô từ 4 trại lên 8 trại. Trại V được xây dựng năm 1962. Trại VI, trại VII và trại VIII được xây dựng gần như cùng một lúc, vào năm 1968, hoàn thành cơ bản vào cuối năm 1970. Ba trại giam này được ngân sách Maccord (Chương trình viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ) chi tiền, chuyên gia xây cất nhà tù của Mỹ thiết kế và hãng thầu Mỹ RMK- BRJ xây cất. Trại IX, trại X cũng đã được đổ móng, đúc cột rồi bỏ dở khi hãng RMK - BRJ rút khỏi Việt Nam (1972). 

Trong 113 năm (1862-1975) hệ thống nhà tù Côn Đảo được xây dựng với 117 phòng, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp” và 18 Sở tù. Được chia thành các trại Phú Hải (trại 2), Phú Sơn (trại 3), Phú Thọ (trại 1), Phú Tường (trại 4), Phú Phong (trại 5), Phú An (trại 6), Phú Bình (trại 7), Phú Hưng (trại 8), Biệt lập Chuồng Cọp Pháp và trại an ninh chuồng bò. Trong đó, trại Phú Hải được xây dựng vào năm 1862, chỉnh trang kiên cố năm 1896. Đây là trại giam lớn nhất và cổ nhất ở di tích lịch sử Côn Đảo. Các trại khác đều có nhiều phòng giam, khu tra tấn, hành hạ người tù dã man và tàn độc. 18 Sở tù gồm Sở Lưới, Sở Ruộng, Làm đá, Kéo cây, Chuồng Bò, Lò gạch, Lò vôi, Sở muối, Bản chế, Sở tiêu, Rẫy An Hải, Cỏ Ống, Hòa Ni, Bông Hồng, Rẫy Ông Lớn, Ông Đụng, vệ sinh và sở Đất Dốc. Các Sở này xuất hiện đồng loạt để cải tạo người tù bằng những hình thức lao động khổ sai… phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy hành chính của thực dân, đế quốc và đời sống người tù trên đảo.

(Còn nữa)

MINH HIỀN
(Tổng hợp)

 

 

;
.