Minh Đạm - Ngọn núi chứng tích lịch sử
Núi Minh Đạm dài 8km và có độ cao 355m, với ba mặt giáp biển cùng nhiều hang đá lớn nhỏ bí ẩn núp dưới những rừng cây, vách đá, suối nước ngọt róc rách quanh năm. Bên cạnh đó, nơi đây còn là căn cứ vững chắc của quân dân BR-VT trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Nhóm du khách tham quan trên núi Minh Đạm. |
Minh Đạm là dãy núi thấp, đâm ngang ra biển, trải qua địa phận các xã Tam Phước, Phước Hưng, thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), Phước Hải, Long Mỹ (huyện Đất Đỏ). Địa thế núi phức tạp, hiểm trở, có đến hơn 300 hang động lớn nhỏ, kiên cố, ăn sâu vào lòng núi. Nhờ đó, trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Minh Đạm trở thành căn cứ cách mạng vững chắc của quân dân BR-VT.
Năm 1948, để nhớ ơn hai vị Bí thư và Phó Bí thư huyện Long Điền là Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm đã anh dũng hy sinh dưới chân núi, nên người dân đã đặt tên núi là Minh Đạm. Hiện nay, khu vực căn cứ Minh Đạm đã được đầu tư, tôn tạo thành điểm tham quan thu hút du khách trong và ngoài nước với những chuyến du lịch về nguồn. Các hạng mục của khu di tích hiện nay gồm: Đền thờ 2.642 Anh hùng liệt sĩ và nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, nhà truyền thống, 4 hang (Huyện ủy, Huyện đội, Thị xã Cấp và Quân y). Căn cứ Minh Đạm gồm bốn khu: Chùa Viên, Đá Chẻ, Chùa Giếng Gạch, Đá Chồng.
Ngày nay, núi Minh Đạm và Căn cứ Minh Đạm đang có sức hấp dẫn đối với du lịch. Nơi đây hàng ngày đón tiếp nhiều đoàn khách du lịch đến thăm lại chiến trường xưa và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi non hùng vĩ và bãi biển Long Hải, Thùy Vân, Kỳ Vân đầy chất thơ. Đến Minh Đạm, sau khi viếng đền thờ liệt sĩ, du khách nên khám phá thiên nhiên trên núi. Mùa này, cây cối khô cằn, trơ cành nhưng vẫn thấy rõ hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loài cây quý như: gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai đang tái sinh, bên các loại cây dược liệu. Lối đi bậc thang, có bảng chỉ dẫn rõ ràng rất dễ đi. Từ chân núi, một con đường trải nhựa ngoằn ngoèo đưa du khách lên tận đỉnh núi. Ở khoảng hai phần ba đoạn đường đèo, toàn cảnh biển Long Hải bao la, với khung cảnh biển một bên, núi đồi một bên thật hữu tình, thơ mộng hiện ra trong tầm mắt. Phía dưới là khu du lịch Thùy Dương và con đường nhựa uốn lượn dưới chân núi. Ôm lấy biển là rừng hoa anh đào tuyệt đẹp. Nhiều người thích chinh phục đỉnh núi bằng cách đi bộ, để được len lỏi dưới những tán cây, gộp đá, nghe tiếng chim kêu, tiếng suối chảy róc rách. Cái mệt nhọc dần tan biến sau khi bạn được rửa mặt, ngâm chân vào nước suối mát lạnh, tận hưởng bầu không khí trong lành của núi rừng. Năm 1993, Khu căn cứ Minh Đạm được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng.
Minh Đạm hôm nay đã trở thành điểm du lịch khá lý tưởng cho nhiều loại hình du lịch: leo núi, dã ngoại sinh thái và đặc biệt là nơi tìm hiểu lịch sử cách mạng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên... Năm 2014, huyện Đất Đỏ đã xây dựng cột cờ trên Hòn Đá Chẻ, điểm cao nhất của dãy Minh Đạm, cách mặt biển 355m2. Đây là điểm check in, hóng gió lý tưởng cho du khách. Từ độ cao này tầm nhìn rộng mở, bao quát đồng bằng, phía biển và xa hơn là các cửa ngõ Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, Lộc An, Xuyên Mộc.
Một nhóm du khách chụp ảnh lưu niệm trên khu vực Hòn Đá Chẻ cuối năm 2019. Ảnh: MINH HIỀN |
Những năm gần đây, xung quanh núi Minh Đạm nhiều resort, khu du lịch được xây dựng giúp tuyến đường ven biển đông vui, sôi động hơn. Trong đó, có những resort kiến trúc đẹp, duyên dáng, quy mô về vốn đầu tư và chuỗi dịch vụ chuyên đón dòng khách có mức chi tiêu cao như: Lan Rừng Phước Hải Resort, Tropicana Beach resort & spa, Thùy Dương Resort… Các resort này còn tạo điểm nhấn cho lịch trình nghỉ dưỡng của du khách với tour tham quan, ngoạn cảnh thiên nhiên cung đường ven biển, trekking khám phá thiên nhiên núi Minh Đạm.
Bài, ảnh: MINH HIỀN