Núi Nứa - Hòn ngọc trên vịnh Ghềnh Rái
Núi Nứa (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) uốn khúc tượng hình con rồng giữa bốn bề sông biển và rừng Sác bao quanh, được ví như là hòn ngọc trên vịnh Ghềnh Rái. Nơi đây còn gắn với Khu di tích Nhà Lớn - tín ngưỡng độc đáo tồn tại bền vững trên xã đảo Long Sơn.
Một phần núi Nứa tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. |
Xuôi Quốc lộ 51, tới địa phận xã Phước Hoà (TX. Phú Mỹ) nhìn về phía Nam, sẽ thấy một vùng sông nước mênh mông với màu xanh ngút ngàn, trải dài hút tầm mắt. Nổi lên giữa thảm xanh mượt mà là dãy núi đất tựa như con rồng khổng lồ đang giỡn mình trên sóng nước. Đó là Núi Nứa - Long Sơn, dãy núi mà tên của nó một thời dùng làm địa danh cho cả hòn đảo.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Long Sơn, Núi Nứa (chữ Hán gọi Sa Trúc Sơn) cách phía Đông trấn 180 dặm, trên có nhiều nứa (loại trúc). Ngày nay, Núi Nứa còn được nhiều người gọi là núi Long Sơn, song tên Núi Nứa vẫn được yêu quý hơn bởi sự mộc mạc và thể hiện cái hồn của nơi này vào thời sơ khởi toàn rừng nứa bao phủ. Núi Nứa có chiều dài khoảng 6km, cao 183m, bề ngang rộng nhất 2km, là 1 trong 23 ngọn núi có độ cao trên 180m của tỉnh BR-VT. Đây cũng là 1 trong 5 ngọn núi mà từ thế kỷ XVI, XVII, người Bồ Đào Nha đã ghi trên bản đồ hàng hải của họ là “5 dấu thánh của Đức Giêsu” để ghi nhớ một vùng đất mà họ thường ngang qua trong chuyến hải trình giao thương ở Viễn Đông. Quần thể Núi Nứa có 3 đỉnh, cao nhất là đỉnh Bà Trao (183m), tiếp đến là đỉnh Hố Rồng (120m), về phía Nam có đỉnh Hố Vông (hơn 100m). Trên đỉnh Bà Trao là hòn đá cao hơn 5m (được gọi tên là Hòn Một) và đền thờ ông Đội Nguyễn Văn Đằng, người đã anh dũng cầm quân kháng chiến chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Hàng năm, cứ vào ngày 10, tháng Mười một âm lịch, người dân trong vùng lại đội lễ dâng hương tưởng niệm ông Đội. Cách Hòn Một không xa, 2 khối đá dài bắc ngang tựa như con tàu biển nên gọi là Hòn Tàu. Núi Nứa còn gắn liền với những truyền thuyết xa xưa như giếng nước ngọt trong mát bên sườn Núi Nứa tương truyền do Bà Lài, người phụ nữ có công khẩn hoang lập ấp bên sườn Núi Nứa, từ cuối thế kỷ XIX.
Núi Nứa không những là kho tài nguyên động, thực vật rừng, thắng cảnh bên vịnh Ghềnh Rái mà còn là nguồn tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân Long Sơn. Trong 2 cuộc kháng chiến, núi Nứa với độ cao và sự biệt lập nhờ được che chắn, ngăn cách của kênh rạch, sông biển và rừng Sác đã trở thành điểm quan sát và là hậu phương nơi đứng chân bảo toàn lực lượng của ta ngay trước đồn lũy của kẻ thù để xuất kích đánh địch. Dưới chân Núi Nứa là quần thể rừng Sác rộng lớn, cung cấp nguồn lợi khai thác than củi, nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú ở vùng sinh thái này, đặc biệt là các loại cá sinh trưởng vùng cửa sông và nhiều loại nhuyễn thể.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Núi Nứa và rừng Sác Long Sơn là khu căn cứ liên hoàn của cách mạng với hình thái: Núi Nứa là hậu cứ; rừng Sác là khu đệm liên thông rừng Sác Long Tân Thành (TX. Phú Mỹ ngày nay), Cửa Lấp để trở thành địa bàn củng cố, mở rộng cơ sở quần chúng và tập kết lực lượng tấn công kẻ thù. Đặc biệt, Núi Nứa là địa danh gắn liền với di tích Nhà Lớn. Đầu thế kỷ XX, khi ông Lê Văn Mưu đến đây khai phá lập ấp thì làng Núi Nứa, Long Sơn mới bắt đầu chuyển mình phát triển.
Ngày nay, cùng với di tích Nhà Lớn, Núi Nứa trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của xã Long Sơn nói riêng và tỉnh BR-VT nói chung. Từ di tích Nhà Lớn, đi theo 1 đường mòn nhỏ khoảng 300m lên Núi Nứa, nếu đi nhanh, chỉ mất hơn 30 phút đã có thể chinh phục được ngọn núi này. Từ đỉnh Bà Trao, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng đất trời, biển khơi. Trước mặt là thảm rừng ngập mặn xanh tươi cây lá, những kênh rạch đan xen như trận đồ bát quái. Xa xa Quốc lộ 51 như cánh cung khổng lồ vẽ lên đường viền từ Bắc tới Nam. Dọc theo cánh cung là KCN dịch vụ trải dài từ TP. Bà Rịa tới Sao Mai - Vũng Tàu và hàng loạt hải cảng với những con tàu tấp nập ngược xuôi.
Dưới chân Núi Nứa có hồ nước ngọt Mang Cá và một quần thể kiến trúc độc đáo của Nhà Lớn - Long Sơn. Di tích tọa lạc tại thôn 5, cách bến đò Cồn Bần khoảng 2km, với tổng diện tích trên 2ha. Vào dịp lễ hội, du khách tới tham quan Hòn Một sẽ được tham gia lễ thỉnh cầu Thiên Địa và có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng biển trời thoáng rộng. Dưới chân Núi Nứa về phía Tây có hồ chứa nước ngọt Mang Cá trồng hoa sen tỏa hương thơm ngát.
Núi Nứa ngày nay đã trở thành điểm tham quan du lịch gắn với nét văn hóa tín ngưỡng đạo Ông Trần của du khách khi tới Nhà Lớn Long Sơn. Vào các dịp lễ hội nơi đây thu hút du khách tới tham quan rất đông.
Bài, ảnh: PHÚC HIẾU