.

Núi Dinh - Sơn thủy hữu tình

Cập nhật: 22:09, 24/03/2020 (GMT+7)
Núi Dinh thuộc địa phận TX. Phú Mỹ và một phần TP. Bà Rịa. Núi Dinh được biết đến không chỉ là căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến mà còn nổi tiếng là một địa chỉ du lịch của BR-VT.

Theo các cụ cao niên kể lại, nơi đây xưa kia là khu rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý hiếm, như: hổ, nai, voọc, gấu, khỉ, cầy hương, chồn, hoẵng, sóc, sao, bằng lăng, cẩm lai, sơn trà, sến, gõ đỏ,… Tên gọi núi Dinh để tưởng nhớ công ơn của người đã có công khai phá vùng đất BR-VT là ông Nguyễn Văn Dinh.

Núi Dinh rộng hơn 30km2, thuộc địa bàn các xã Tân Hải, Tân Hòa, Châu Pha, phường Phước Hòa (TX. Phú Mỹ) và một phần phường Long Hương (TP. Bà Rịa). Con đường quanh co dẫn lên núi Dinh như một cánh cung chạy dài theo hướng Đông Nam - Tây Bắc. 

Đường lên núi Dinh như hình cánh cung, hai bên  là những tảng đá và cây cối.
Đường lên núi Dinh như hình cánh cung, hai bên là những tảng đá và cây cối.

Theo Bảo tàng tỉnh, núi Dinh có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng, án ngữ phía Đông Sài Gòn và Quốc lộ 51. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, núi Dinh được xem là cụm căn cứ cách mạng quan trọng, đã đào tạo, nuôi giấu hàng ngàn cán bộ phục vụ cho chiến trường Đông Nam Bộ. Tại đây, nhiều thế hệ cán bộ đã được học tập, trui rèn và trưởng thành trên con đường đấu tranh cách mạng. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhiều đơn vị quân giải phóng đã tập kết ở núi Dinh để tiến vào giải phóng tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Trần Anh Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, trong suốt mấy chục năm chiến tranh, địch đã mở hàng trăm trận càn, huy động nhiều lực lượng, như: bộ binh, biệt kích, xe tăng, pháo binh, không quân… liên tục ném bom bắn phá nhưng căn cứ cách mạng núi Dinh vẫn trụ vững. Những di tích lịch sử, như: hang Dây Bí, hang Tổ, hang Mai, hang Ông Trọng, căn cứ Bưng Lùng… gắn liền với chiều dài lịch sử của địa phương. Đặc biệt, hang Dây Bí chính là căn cứ giao liên của Huyện ủy huyện Châu Đức vào những năm 1966-1972. Hay căn cứ chùa Diệu Linh là cơ sở cách mạng của địa phương nơi cung cấp lương thực của Thị ủy Bà Rịa trong 2 cuộc kháng chiến. Năm 1993, căn cứ núi Dinh đã được Bộ VHTT-DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Những năm gần đây, núi Dinh được nhiều người dân và du khách biết đến là ngọn núi nổi tiếng của BR-VT với vẻ đẹp hài hòa, sơn thủy hữu tình. Nơi đây không chỉ được biết đến là điểm du lịch sinh thái đơn thuần mà còn được nhiều du khách tìm đến khám phá du lịch tâm linh, tín ngưỡng. Đỉnh cao nhất của ngọn núi gần 500m. Trên núi Dinh có hơn 100 ngôi chùa, trong đó có ngôi chùa cổ Tổ Đình Linh Sơn, được xây dựng cách đây 300 năm. Với hàng loạt các ngôi chùa, như: chùa Hang, chùa Đại Tùng Lâm, chùa Tây Phương... 

Về với núi Dinh, du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh hoang sơ với tiếng thác nước, tiếng gió hòa với tiếng reo của cây lá, tiếng chuông chùa tạo nên một bản hòa ca êm dịu. Những đỉnh núi đẹp với các quần thể đá quanh các thác nước chen lẫn với cây xanh thăm thẳm. Du khách sẽ rất thích thú khi được đi dạo quanh núi và men theo những con đường hiểm trở rợp bóng cây. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn tự tay mình nấu nướng, bày biện hay đọc sách và ngủ ngay dưới những tán cây rừng…

Đặc biệt, trên đỉnh núi Dinh có suối Đá - suối Tiên là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khi khám phá suối Tiên. Suối Tiên là dòng nước chảy nơi thượng nguồn núi Dinh. Suối chảy xuống mạnh ở thượng nguồn và nhẹ nhàng dần khi đổ xuống mặt hồ. Nước suối cũng làm cho thảm thực vật ở đây trở nên xanh tốt hơn. Suối ẩn mình dưới bóng cổ thụ sum suê soi bóng nước và khí hậu ở đây khá mát mẻ trong lành.

Suối Tiên trên đỉnh núi Dinh với 5 tầng thác.
Suối Tiên trên đỉnh núi Dinh với 5 tầng thác.

Nằm cách suối Tiên không xa là suối Đá. Cả dòng suối được chia thành 5 tầng thác, và mỗi tầng đều có một không gian rộng để bạn có thể đắm mình vào làn nước trong xanh mát lạnh và tận hưởng thiên nhiên núi rừng tuyệt vời của núi Dinh.

Bài, ảnh: LINH ĐAN

.
.
.