Những địa chỉ văn hóa, tâm linh ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo
Khách viếng mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC |
Nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo và xây dựng lại năm 1992 trên diện tích 20ha, gồm 4 khu A, B, C, D. Đây là nơi an nghỉ của nhiều nhà yêu nước, chiến sĩ cách mạng kiên trung nổi tiếng, đã bị địch sát hại trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như: nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, Anh hùng liệt sĩ Cao Văn Ngọc…
Nằm giữa khu nghĩa trang là sân hành lễ với tượng đài Trao Áo. Tượng đài cao 9m, nặng 25 tấn. Dưới chân tượng đài là hàng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Tượng đài được tái tạo từ câu chuyện có thật ở Nhà tù Côn Đảo: Ông Vũ Văn Hiếu, nguyên Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đặc khu mỏ Hòn Gai (tháng 1/1930), bị bắt và lưu đày ở Nhà tù Côn Đảo. Trước khi qua đời, ông đã cởi chiếc áo duy nhất còn lại trên người trao cho ông Lê Duẩn - nguyên Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1960 đến 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1976 đến 1986.
Nghĩa trang Hàng Dương không giống các nghĩa trang khác. Ở đây bất kể ngày hay đêm, lúc nào cũng có người đến viếng thăm, thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Trong đó, phần mộ có nhiều người đến dâng hương nhất là mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Ý chí hiên ngang bất khuất của vị nữ anh hùng trong những ngày lĩnh án tử tù, đến giây phút bước ra pháp trường vẫn ngẩng cao đầu kiêu hãnh khiến kẻ thù phải nghiêng mình kính phục. Nhiều giai thoại, huyền thoại về sự linh thiêng, hiển linh của người nữ anh hùng đã được truyền lại.
Người ta kể rằng, sau khi vị nữ anh hùng hy sinh, đồng chí, đồng đội nhiều lần bí mật lập bia trên phần mộ chị Sáu nhưng cứ lập nên lại bị kẻ thù đập phá. Rồi điều kỳ lạ đã xảy ra, dù là chúa đảo hay cai ngục, tất cả những kẻ tham gia đập phá bia mộ vị nữ anh hùng đều bị chết bất đắc kỳ tử.
Khiếp sợ sự linh thiêng của người nữ anh hùng quê hương Đất Đỏ, một chúa đảo mới nhậm chức đã cùng vợ lập tấm bia tạ tội, trên bia mộ có ghi dòng chữ: Liệt sĩ Võ Thị Sáu. Sau này, khi tôn tạo phần mộ chị Sáu, cán bộ quản trang đã dựng tấm bia ghi đầy đủ ngày hy sinh của vị nữ anh hùng, nhưng vẫn để những tấm bia cũ cùng tồn tại bên phần mộ linh thiêng của vị nữ anh hùng.
Du khách hành hương viếng mộ và chụp hình lưu niệm bên phần mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương. |
Mỗi phần mộ ở Nghĩa trang Hàng Dương không chỉ là nơi an nghỉ của một người yêu nước, một chiến sĩ cách mạng, một chứng tích tội ác của thực dân đế quốc, mà còn là trang sử vĩnh hằng ghi lại những tấm gương trung kiên bất khuất của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đế quốc.
Đến Nghĩa trang Hàng Dương, khách viếng thăm không thấy vẻ lạnh lẽo cô liêu, mà chỉ thấy cảm giác ấm cúng lan tỏa trong tiếng nhạc trầm hùng phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác giữa các phần mộ, hòa cùng tiếng sóng biển rì rào, tiếng gió thổi vi vu trên cành dương, tạo thành bản nhạc du dương đưa giấc ngủ thiên thu của các anh hùng liệt sĩ về miền cực lạc.
Ngày nay, Nghĩa trang Hàng Dương là địa chỉ du lịch tâm linh, là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân và những thế lực thống trị phản dân hại nước. Nơi đây, hàng vạn người con ưu tú của dân tộc đã nằm xuống trong cuộc đấu tranh ngoan cường với kẻ thù nơi lao tù, gan góc quả cảm trước đòn roi, xiềng xích, sẵn sàng hy sinh cuộc sống vì độc lập tự do, vì hòa bình thống nhất, vì hạnh phúc đồng bào.
TRẦN BÌNH