Khu mộ vò cồn Hải Đăng - nơi cất táng của cư dân cổ hải đảo
Được phát hiện năm 1999 với một khu mộ lớn thuộc loại hình mộ vò lần đầu tiên phát hiện tại tỉnh BR-VT, năm 2001 Bảo Tàng tỉnh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật. Đây là khu mộ cổ có giá trị về thời kỳ tiền sơ sử với mật độ dày đặc.
Mộ vò cồn Hải Đăng xuất lộ trong quá trình khai quật. |
Là một quần đảo cách xa đất liền, những di vật đa dạng, phong phú, mức độ dày đặc các di tích khảo cổ học tại Côn Đảo cho thấy vào sơ kỳ thời đại kim khí, con người đã khai phá, lập nên những làng nông nghiệp trù phú. Các làng cổ Côn Đảo phân bố trên những cồn cát quanh hồ nước ngọt (hồ Sen) ở vùng trung tâm đảo. Các di tích tiền sơ sử Côn Đảo ảnh hưởng văn hóa Sa Huỳnh, trong đó nổi bật là khu mộ vò phân bố ở sườn phía trong cồn Hải Đăng, từ chân cồn đến độ cao 6-7m đối với mực nước biển ở vị trí cách cây hải đăng chừng 170m về phía Tây Nam.
Trước đây cồn Hải Đăng có các loại thực vật của loại hình rừng cát, cây thân bụi, tràm. Khu vực hố khai quật ở sườn phía trong cồn có độ dốc nghiêng từ phía Đông Bắc – Tây Nam. Địa tầng cồn Hải Đăng cấu tạo thuần cát màu trắng, trắng xám, trắng hoặc sáng màu, được phân bố như sau: Lớp cát phía trên mộ là cát hạt mịn, nửa tầng phía trên có màu xám tro, xám tro nhạt, nửa hoặc hơn nửa phía dưới cát trắng. Ở một số nơi của lớp cát phủ trên có các di vật là những mảnh sành, mảnh gạch ngói.
Khu mộ táng tại Cồn Hải Đăng, huyện Côn Đảo được khai quật vào năm 2001. |
Mộ cồn Hải Đăng có chỗ được chôn liền sát nhau tới 20 -30 mộ, được chôn theo đồ tùy táng là niêu, bát gốm hay công cụ đá ghè đẽo ở bên trên miệng vò... Bên cạnh cách thức mai táng trên còn thấy hiện tượng các mộ vò được đập thủng phần đáy, hầu hết miệng cổ và vai vò thân vò đều rạn nứt, một số chỉ còn lại nửa phần phía dưới. Các vò mộ hình cầu, đáy tròn, hay hơi lồi nhọn, cổ thấp, đa số là cổ thắt, miệng loe xiên, xương gốm dày làm từ sét pha nhiều hạt thô. Vò mộ được phủ lớp áo thổ hoàng đỏ và ở cả hai mặt bên trong và bên ngoài, các lớp áo đỏ đẹp này đã bị bong tróc để lộ phần thai gốm màu xám, xám nhạt và màu đỏ. Một số vò mộ có nắp đậy bằng bát bồng hoặc chậu nhỏ có lớp áo thổ hoàng đỏ. Đã có xấp xỉ 100 vò mộ đã được phát hiện trong quá trình khai quật. Ngoài ra còn hàng chục tiêu bản niêu bát bồng… đồ tùy táng chôn theo. Các mộ vò chôn cất tập trung thành khu nghĩa địa mộ vò tách khỏi nơi cư trú. Nhìn chung các mộ vò cùng một bình diện, chỉ có một tỷ lệ nhất định vò mộ có nắp đậy và có đồ tùy táng ở bên trên vò. Các đồ tùy táng như niêu, bát, bát bồng đều bị đập vỡ hay đập thủng vò táng phản ánh tục chia của cho người đã qua đời… là một hiện tượng khá phổ biến phản ánh quan niệm của người sống đối với người đã chết trong phương thức cất táng ở đây. Đó là tập tục mai táng phổ biến ở các di chỉ Sa Huỳnh, ven biển miền Trung, ở Lung Leng (Kon Tum) và một số khu vực Giồng Phệt - Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh), Giồng Lớn (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu).
Ngoài một số mộ vò đã biết kể trên còn phát hiện 4 lọ sứ men xanh-rạn kiểu lọ đựng thuốc súng tại cồn Hải Đăng và 1 lọ sành miệng thấp, thân phình… Cồn Hải Đăng rất có thể là một làng Chăm cổ mà chứng tích để lại là nhiều mảnh sành sứ gạch ngói… trên bề mặt cũng như trong địa tầng bên trên đỉnh và sườn cao cồn, thêm nữa còn có một giếng đất đường kính trên 10m, sâu 4-5m, vẫn liên tục có nước ngọt. Ngoài ra, trong quá trình khai quật còn thu được khoảng trên dưới 30 công cụ đá ghè đẽo từ đá.
Khu mộ cổ cồn Hải Đăng là một khu mộ vò lớn quan trọng có mật độ dày đặc của cư dân cổ tại quần đảo Côn Đảo thuộc văn hóa Sa Huỳnh đầu thời đại đồ sắt, cách ngày nay trên dưới 2.500 năm. Hiện nay tại nhà trưng bày của Bảo tàng tỉnh đã phục dựng một khu mộ vò cồn Hải Đăng tại Côn Đảo để khách tham quan trong nước và quốc tế tìm hiểu, nghiên cứu về loại hình tác thức độc đáo của cư dân cổ thuộc vùng ven biển hải đảo.
NGUYỄN TÂM