.

Nguyễn Văn Thoại - Người đầu tiên trấn ải Cửa Lấp

Cập nhật: 19:18, 21/11/2019 (GMT+7)

Cuối thế kỷ XVIII, vị tướng đầu tiên được chúa Nguyễn cử đến trấn giữ cửa Tắc Khái (Cửa Lấp) - cửa ngõ đường biển quan trọng nối Vũng Tàu với thành Gia Định là Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu). Ông quê ở huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, là một danh tướng có công lớn trong công cuộc bảo vệ biên cương và khai hoang vùng đất phương Nam.

Tượng ông Nguyễn Văn Thoại tại đền thờ ông ở Châu Đốc, An Giang.
Tượng ông Nguyễn Văn Thoại tại đền thờ ông ở Châu Đốc, An Giang.

Cửa Lấp còn có tên là cửa Tắc Khái, Tắc Ký, Giếng Bộng, Phước Tỉnh… là một trong những cửa biển quan trọng từ Bắc vào Nam của Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII-XVIII), Cửa Lấp được gọi là Tắc Khái hải tấn, là một trong những cửa biển chiến lược của vùng Biên Hòa - Gia Định. Nơi đây vào năm 1776 đã diễn ra trận chiến giữa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy với quân nhà Nguyễn do chúa Nguyễn Phúc Thuần chỉ huy. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), nhà Nguyễn cho xây dựng lại, lấy tên là hải tấn Long Hưng, cắt cử một viên thừa biện túc trực để đi tuần ngoài biển, đồng thời xếp dân Phước Tỉnh vào hạng thuộc lệ cảng phu, tức là có trách nhiệm cung cấp phu phục dịch và canh phòng cửa biển tại đây.

Trong Gia Định thành thông chí, tác giả Trịnh Hoài Đức viết: “Cửa biển Tắc Khái cách trấn lỵ về phía đông 210 dặm, lòng lạch có bãi cát dời đổi không thường, cửa rộng 90 tầm, khi nước triều lên thì sâu từ 13 thước trở lên, 17 thước trở xuống, dân biển tụ họp ở đó, làm nghề chài cá và câu cá. Đó là đất cá muối trong hạt trấn”.

Lăng mộ tướng Nguyễn Văn Thoại tại Châu Đốc, An Giang. 
Lăng mộ tướng Nguyễn Văn Thoại tại Châu Đốc, An Giang. 

Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu sinh ngày 26/11 năm Tân Tỵ (1761), niên hiệu Cảnh Hưng 22, tại làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Thân phụ ông là Nguyễn Văn Lượng, thân mẫu là Nguyễn Thị Tuyết. Ông mất ngày 6/6 năm Kỷ Sửu (1829), tại Châu Đốc, tỉnh An Giang. Là người con của đất Quảng Nam, Nguyễn Văn Thoại rời quê vào Nam từ nhỏ, cùng mẹ và em sống tại cù lao Dài, thuộc huyện Vĩnh Trị, tỉnh Vĩnh Long.

Năm 1791, Nguyễn Văn Thoại lập được nhiều chiến công. Vì vậy, ông được chúa Nguyễn Ánh thăng lên chức vụ Chấn võ dinh tiền du hiệu, Khâm sai Thống binh Cai cơ. Tháng 3/1791, ông được chúa Nguyễn Ánh cử làm Trấn thủ (chức quan đứng đầu một trấn) đem quân đóng ở hải khẩu Tắc Khái.  

Trong Phủ biên tạp lục, nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết, đồn thủ ở hải khẩu Tắc Khái có ba đội quân, mỗi đội có ba chiến thuyền và mỗi chiến thuyền có 40 người. Như vậy, tổng số quân dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Văn Thoại lúc này khoảng 360 người. Ông tỏ ra phấn khởi và từ đó có nhiều cơ hội phục vụ đắc lực hơn trước. Nguyễn Văn Thoại giữ chức Trấn thủ ở cửa biển Tắc Khái chỉ trong khoảng 1 năm nhưng ông đã góp phần dẹp được nạn cướp biển hoành hành nơi đây và bảo đảm trật tự, an toàn cho ghe tàu trong nước và nước ngoài ra vào khu vực Vũng Tàu -  Gia Định, cửa ngõ của miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Nguyễn Văn Thoại còn có nhiều công lớn dưới triều Nguyễn. Khi giữ chức vụ Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh vào năm 1817 (thuộc tỉnh An Giang ngày nay), ông huy động hàng vạn dân công đào 2 công trình thủy lợi quan trọng là kênh Thoại Hà dài hơn 30km và kênh Vĩnh Tế dài 87 km. Năm Kỷ Sửu (1829) Nguyễn Văn Thoại mất tại Châu Đốc, hưởng thọ 68 tuổi. Thi thể của ông được an táng tại Núi Sam, hiện nay còn lăng mộ và đền thờ ông ở Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Ngày nay, có dịp đi trên đường ven biển hướng từ Vũng Tàu qua Phước Tỉnh (huyện Long Điền), du khách sẽ đi qua cầu Cửa Lấp. Cây cầu bắc qua sông Cửa Lấp, nối phường 12, TP. Vũng Tàu với làng chài trù phú Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và tuyến du lịch ven biển từ TP. Vũng Tàu đến Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, mở ra cơ hội phát triển về du lịch cho các địa phương. Giữa dòng, phía dưới gầm cầu là bãi cát bồi, khi thủy triều lên bị ngập hoàn toàn trong nước. Đây là khu vực nuôi nghêu sò, mang lại nguồn lợi thủy sản cho nhân dân địa phương.  

Sống trong cảnh no ấm và phồn thịnh, nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu luôn ghi nhớ công lao to lớn của tướng Nguyễn Văn Thoại khi ông đã từng có một thời vượt qua muôn trùng sóng gió, hiểm nguy đến nơi này để bảo vệ sự bình yên cho vùng biển cực Trung Nam Bộ của đất nước.

NGUYỄN VĂN TÂM

.
.
.