.

Bác sĩ Phạm Hữu Chí - Thầy thuốc lỗi lạc - Kỳ cuối: Tiếp nối những hoài bão

Cập nhật: 19:57, 19/11/2019 (GMT+7)

Những hoài bão chưa thành của bác sĩ Phạm Hữu Chí, ngày nay đã trở thành hiện thực. Bệnh viện chuyên khoa lao, phổi lấy tên Phạm Hữu Chí được thành lập ngay trên quê hương ông (xã An Ngãi, huyện Long Điền). Tất cả những bệnh nhân lao, dù giàu hay nghèo đều đã được chữa bệnh miễn phí.

Ngày nay, nhiều con đường, ngôi trường mang tên bác sĩ Phạm Hữu Chí.  Trong ảnh: Thầy và trò Trường THCS Phạm Hữu Chí (xã An Ngãi, huyện Long Điền). Ảnh: PHI DŨNG
Ngày nay, nhiều con đường, ngôi trường mang tên bác sĩ Phạm Hữu Chí. Trong ảnh: Thầy và trò Trường THCS Phạm Hữu Chí (xã An Ngãi, huyện Long Điền). Ảnh: PHI DŨNG

Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí được thành lập vào tháng 4/2016 trên cơ sở tách từ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh và tiếp nhận cơ sở vật chất cũ của Trung tâm Y tế huyện Long Điền. Đây là bệnh viện chuyên khoa lao phổi tuyến tỉnh đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh, có chức năng khám, điều trị bệnh nhân lao và phổi, quản lý chương trình phòng chống lao. Bệnh viện lấy tên bác sĩ Phạm Hữu Chí không chỉ để tưởng nhớ đến một danh nhân của địa phương mà còn để tiếp nối những hoài bão, tâm huyết vì người bệnh của bác sĩ Phạm Hữu Chí.

Ngày nay, noi theo tấm gương Phạm Hữu Chí, nhiều y, bác sĩ của Bệnh viện Phạm Hữu Chí đã tình nguyện gắn bó cả sự nghiệp cho công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân lao. Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí chia sẻ, có những lúc gặp nhiều khó khăn, nhưng nghĩ tới những bệnh nhân lao chịu biết bao khổ sở bởi hoàn cảnh nghèo và bệnh tật đeo bám, đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện quyết tâm vượt qua, kiên trì bám trụ với công việc này. “Mỗi bệnh nhân hết bệnh, không chỉ là niềm vui của họ, mà còn là động lực để đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi tiếp tục hành trình của mình”, ông Giang nói.

Hàng năm, BR-VT phát hiện khoảng 1.500 ca mắc lao, trong đó có 800 bệnh nhân lao phổi. Tất cả những bệnh nhân đều được tiếp nhận và điều trị miễn phí tại Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí và tại các phòng khám lao ở các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ điều trị thành công chiếm hơn 90%. Đó là nhờ công lao đóng góp rất lớn của những y, bác sĩ lao quên mình vì bệnh nhân.

Bệnh viện chuyên khoa lao, phổi lấy tên Phạm Hữu Chí được thành lập ngay trên quê hương ông (xã An Nhứt, huyện Long Điền). Ảnh: PHI DŨNG
Bệnh viện chuyên khoa lao, phổi lấy tên Phạm Hữu Chí được thành lập ngay trên quê hương ông (xã An Nhứt, huyện Long Điền). Ảnh: PHI DŨNG

Ước mơ phụ nữ nghèo được chăm sóc y tế trước và sau khi sinh con của bác sĩ Phạm Hữu Chí ngày nay cũng đã thành hiện thực. Chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã được triển khai rộng khắp đến từng vùng khó khăn trên toàn tỉnh. Gần 90% phụ nữ được bác sĩ thăm khám quản lý thai kỳ trong suốt thời gian mang thai và 100% người được bác sĩ, nữ hộ sinh đỡ đẻ hoặc mổ lấy thai tại các cơ sở y tế. Hơn thế nữa, bà mẹ và trẻ em còn được tầm soát dự phòng những bệnh tật nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Tất cả trẻ nhỏ từ lúc sinh ra cho đến 5 tuổi đều được tiêm vắc xin phòng các bệnh dịch nguy hiểm miễn phí. Nhờ đó, nhiều căn bệnh truyền nhiễm đã được loại trừ hoặc giảm rõ rệt như bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn.

Căn bệnh sốt rét rừng mà bác sĩ Phạm Hữu Chí đã bỏ bao tâm huyết dày công nghiên cứu cách chữa trị, phòng ngừa thì ngày nay cũng đã được kiểm soát và đẩy lùi. Từ năm 1994, số người bị sốt rét trên địa bàn tỉnh liên tục giảm mạnh, không còn những trường hợp sốt rét ác tính hay bị tử vong vì sốt rét.

Y học ngày nay đã có những tiến bộ vượt bậc rất nhiều so với thời của bác sĩ Phạm Hữu Chí. Thế nhưng, những đức tính quý giá của ông dành cho bệnh nhân và y học vẫn mãi là tấm gương sáng cho thế hệ ngày nay và mai sau noi theo, tiếp bước.

MINH THIÊN

.
.
.