Danh nhân văn hóa Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhà nghiên cứu phê bình văn học Kiều Thanh Quế
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Kiều Thanh Quế (1914-1948), quê ở huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền), tỉnh BR-VT. Năm 18 tuổi, ông đã bước vào lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học và trở thành một trong những cây bút phê bình văn học hàng đầu ở Nam Bộ, cũng như cả nước thời kỳ 1932-1945.
Tác phẩm “Đàn bà và nhà văn” của Kiều Thanh Quế. |
Tốt nghiệp tiểu học ở Bà Rịa, Kiều Thanh Quế được gia đình đưa lên Sài Gòn học Trường Trung học Petrus Ký. Ngay từ khi còn là HS trung học, ông đã viết truyện ngắn lấy bút danh Quế Lang đăng trên tuần báo Tiểu thuyết Thứ bảy có trụ sở ở Hà Nội.
Tốt nghiệp trung học, Kiều Thanh Quế ở lại Sài Gòn làm giáo viên Trường Trung học Nguyễn Văn Khuê. Vừa dạy học, ông vừa tham gia sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học. Sau khi cộng tác với Báo Mai viết phê bình gây được sự chú ý của dư luận, ông bắt đầu chuyển hẳn sang lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học với các bút danh Mộc Khuê, Tô Kiều Phương, Nguyễn Văn Hai...
Giai đoạn 1932-1945 ở Việt Nam nảy sinh cuộc tranh luận nảy lửa giữa các nhà phê bình chuyên nghiệp xung quanh vấn đề văn học truyền thống và văn học hiện đại, giữa nhu cầu văn học đổi mới và văn học bảo thủ. Điển hình là cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh (1932-1939) rất sôi động. Kết thúc cuộc tranh luận, nền văn học Việt Nam bước đầu đã hình thành những quan điểm mới về văn học trong bối cảnh đấu tranh giữa các ý thức hệ trong nước và quốc tế.
Kiều Thanh Quế không đứng hẳn về bên nào, nhưng trong thực tế quan điểm về tư tưởng văn học của ông gần gũi với hệ tư tưởng tiến bộ. Ông cho rằng nghệ thuật là đi tìm cái đẹp trong cuộc sống, trong thiên nhiên, còn phê bình là tìm cái đẹp trong nghệ thuật, do đó không thể tách rời nghệ thuật với đời sống con người.
Quan niệm về học thuật của Kiều Thanh Quế luôn hướng tới tính khoa học, tính khách quan và sự tiến bộ. Ông cho rằng văn hóa là đưa nghệ thuật đến tận thiện, tận mỹ, là tạo ra những trào lưu tư tưởng tự do và mới mẻ. Còn nghiên cứu phê bình là truyền bá những cái tận thiện, tận mỹ đó đến với mỹ quan của người hưởng thụ. Ông thẳng thắn phê phán lối phê bình chủ quan, vụ lợi, dẫn đến nhận thức sai lệch của độc giả về giá trị tác phẩm. Đó là lối phê bình quảng cáo của những nhà phê bình ăn tiền nhà xuất bản, lăng xê những tác phẩm kém giá trị nhằm mục đích thương mại, hoặc là lối phê bình bôi nhọ, chỉ trích, gièm pha, vạch lá tìm sâu do thù ghét riêng tư.
Quan điểm nghiên cứu phê bình văn học của Kiều Thanh Quế là sự trung thực khách quan, phải tìm ra và giới thiệu những tác phẩm, tác giả không may bị chìm đắm trong bóng tối không được bạn đọc biết tới, đồng thời khẳng định tên tuổi của những tác giả đã được dư luận chú ý, mục đích chủ yếu là làm cho nền văn học nước nhà có nhiều tác phẩm văn chương toàn bích, có giá trị văn học cũng như nội dung tư tưởng mới mẻ siêu việt.
Kiều Thanh Quế qua đời ở tuổi 34, giữa lúc tài năng đang phát triển, đó là sự mất mát lớn của nền văn học nước nhà. Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng Kiều Thanh Quế đã cống hiến hàng chục tác phẩm, trong đó có 2 cuốn tiểu thuyết và nhiều tác phẩm nghiên cứu, phê bình, khảo luận văn học như: Ba mươi năm văn học, Phê bình văn học, Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam, Đàn bà và nhà văn, Học thuyết Freud, Thi hào Tagore, Một ngày Tolstoi, Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa tả thiệt xã hội... Hầu hết các tác phẩm của Kiều Thanh Quế đều do Nhà Xuất bản Tân Việt ở Hà Nội xuất bản và phát hành. Ngoài ra, ông còn viết một số bài phê bình đăng Tạp chí Tri Tân sau này được Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm in thành sách.
Năm 1996, Nhà Xuất bản Văn học ấn hành cuốn “Nhà văn phê bình” đã giới thiệu 18 nhà nghiên cứu phê bình văn học giai đoạn 1932-1945, trong đó có Kiều Thanh Quế cùng một số tác giả nổi tiếng khác như: Phan Khôi, Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan...
Kiều Thanh Quế ra đi cách nay hơn nửa thế kỷ, nhưng các tác phẩm nghiên cứu phê bình của ông đã được hậu thế đánh giá cao, ông xứng đáng là một trong những nhà nghiên cứu phê bình văn học hàng đầu ở Việt Nam thời kỳ tiền chiến.
TRẦN BÌNH