.
DANH NHÂN VĂN HÓA BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Nhà giáo Huỳnh Khương Ninh - Người sáng lập trường tư thục nổi tiếng một thời

Cập nhật: 19:07, 11/11/2019 (GMT+7)

Huỳnh Khương Ninh (1890-1950) còn có tên gọi là Hoàng Khương Ninh, sinh ở làng Thắng Tam  (nay là phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu) là một nhà giáo yêu nước, ông đã sáng lập, đồng thời làm Hiệu trưởng Trường Tư thục Huỳnh Khương Ninh nổi tiếng ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ đầu những năm hai mươi của thế kỷ trước.

Cô và trò Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, TP.Vũng Tàu.
Cô và trò Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, TP.Vũng Tàu.

Xuất thân trong một gia đình trí thức ở Vũng Tàu, ngay từ khi còn nhỏ Huỳnh Khương Ninh đã là một cậu bé thông minh hiếu học. Năm 1907, ông đậu bằng Thành Chung (còn gọi là Cao đẳng Tiểu học) khi vừa tròn 17 tuổi. Để lấy bằng Thành Chung, ông phải theo học tại Trường Trung học Bản xứ Chasseloup Laubat ở Sài Gòn (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn), phải học qua bậc tiểu học 6 năm, sau đó học sang bậc trung học 4 năm, tổng cộng là 10 năm. Ông có bằng Thành Chung thông thạo tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ, chữ Hán. Ngoài ra còn học lịch sử thế giới, văn học Pháp và  một số môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý vạn vật học...

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học, ông Huỳnh Khương Ninh ở lại Sài Gòn làm việc với mong muốn đóng góp công sức vào cuộc canh tân đất nước. Năm 1922, ông được bầu làm Hội trưởng Hội đồng TP. Sài Gòn.

Ở cương vị Hội trưởng Hội đồng thành phố, ông luôn quan tâm đến đời sống cũng như nguyện vọng của các tầng lớp dân nghèo. Nhận thấy con em của những người dân lao động không được cắp sách đến trường, ông tự bỏ tiền mua đất xây dựng trường tư thục và ký túc xá ở khu vực Đa Kao (nay thuộc quận 1) để những HS nghèo các tỉnh Nam Bộ có thể theo học nội trú. Mục đích mở trường của ông không phải để kinh doanh kiếm lời mà để giúp thế hệ trẻ tiếp cận tri thức, phát triển dân trí, canh tân đất nước.

Với tính cách khẳng khái, chí công vô tư, làm việc vì dân vì nước nên ông không thể hợp tác với chính quyền thực dân Pháp. Năm 1925, ông xin thôi chức Hội trưởng Hội đồng thành phố để trực tiếp làm Hiệu trưởng Trường Tư thục Huỳnh Khương Ninh do ông sáng lập, đồng thời mở thêm nhiều lớp bậc trung học, phát triển quy mô trường sở, nâng cao chất lượng dạy và học.

Cô và trò Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, TP.Vũng Tàu ôn lại truyền thống về nhân sĩ yêu nước Huỳnh Khương Ninh. Ảnh: DIỄM QUỲNH
Cô và trò Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, TP.Vũng Tàu ôn lại truyền thống về nhân sĩ yêu nước Huỳnh Khương Ninh. 

Uy tín của Trường Tư thục Huỳnh Khương Ninh nổi tiếng khắp Sài Gòn cũng như Nam Kỳ lục tỉnh thời ấy. Ông tuyển chọn nhiều giáo viên tên tuổi như Lê Bá Cang, Phạm Xuân Thảo, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Trọng Hi và những trí thức cách mạng như Phạm Văn Đồng (sau này làm Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Hoàng Minh Giám (sau này làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)...

Trường Huỳnh Khương Ninh không chỉ dạy văn hóa mà còn là trung tâm đào tạo những trí thức yêu nước và cách mạng. Rất nhiều thầy giáo và HS ra đi từ mái trường này đã trở thành những cán bộ ưu tú của cách mạng, giữ nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh đạo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu.

Nhận thấy mối hiểm họa đối với chế độ thực dân, mật thám Pháp thường xuyên theo dõi  hoạt động của Trường Tư thục Huỳnh Khương Ninh. Cuối năm 1945, chính quyền thực dân chính thức ra lệnh đóng cửa trường.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong lúc nhân dân cả nước hân hoan đón chào độc lập tự do thì thực dân Pháp theo chân quân đồng minh vào miền Nam tái chiếm Sài Gòn.

Cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra. Năm 1947, lợi dụng chính sách mị dân của chính quyền thực dân Pháp, Trường Tư Thục Huỳnh Khương Ninh tiếp tục mở lại. Trong điều kiện cuộc chiến tranh đang diễn ra quyết liệt, thầy trò Trường Huỳnh Khương Ninh luôn tìm cách ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cách mạng.

Năm 1950, phong trào đấu tranh của HSSV Sài Gòn phát triển mạnh mẽ. Binh lính Pháp đã nổ súng bắn vào đoàn biểu tình và bắt giữ nhiều HSSV để đàn áp phong trào. Anh Trần Văn Ơn, HS Trường Pe’trus Ký đã anh dũng hy sinh trong một cuộc đấu tranh.

Sự dã man của chính quyền thực dân gây chấn động dư luận trong nước và quốc tế. Thầy trò Trường Huỳnh Khương Ninh đã tham gia cuộc biểu tình của hàng ngàn HSSV Sài Gòn đòi thả tự do cho 5 HS bị bắt và xuống đường mít tinh dự tang lễ Trần Văn Ơn.

Tháng 4/1950, ông Huỳnh Khương Ninh qua đời do trọng bệnh. Nhưng thầy trò Trường Huỳnh Khương Ninh, những người lớp sau, vẫn tiếp bước theo chí hướng của nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh, dạy tốt, học tốt để phụng sự đất nước, hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do và hạnh phúc đồng bào.

Nhà giáo yêu nước Huỳnh Khương Ninh có 3 người con đều là những trí thức nổi tiếng yêu nước và cách mạng. Trong đó, người con trai Huỳnh Khương An du học ở Pháp, là chiến sĩ cộng sản quốc tế, hy sinh trong cuộc đấu tranh chống phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp trong đại chiến thế giới lần thứ hai.

TRẦN BÌNH

.
.
.