Những sản vật nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu - Kỳ 1: Vùng trồng thanh long nổi danh cả nước
Đi dọc QL 55 đến xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc), không khó để bắt gặp những vườn thanh long thẳng tắp, quả đỏ rực đẹp mắt… Từ năm 2015, thanh long Bông Trang được Sở KH-CN và Sở NN-PTNT chọn là một trong những loại nông sản độc đáo của tỉnh BR-VT để xây dựng thương hiệu.
Anh Hoài Ân (ấp Trang Nghiêm, xã Bông Trang) thu hoạch thanh long. |
Từ những năm đầu thập niên 70, một số người dân từ Phan Thiết (Bình Thuận) di cư và mang theo cây thanh long tới mảnh đất Trang Định, xã Bông Trang. Từ đó, người dân bản địa bắt đầu trồng loại cây đẹp tựa xương rồng, quả có vị ngọt thanh dễ chịu này. Ban đầu, người ta trồng thanh long chủ yếu để vừa làm cảnh, vừa có quả ăn. Về sau, khi giao thương phát triển, thị trường có nhu cầu thì nông dân Xuyên Mộc tính tới việc trồng thanh long thương phẩm. Họ đầu tư lớn cả về diện tích lẫn quy trình canh tác, giống. Hiện nay, ngoài thanh long ruột trắng, còn có thanh long ruột đỏ, vị ngọt đậm hơn, được ưa chuộng hơn và giá bán cũng cao hơn nhiều so với thanh long ruột trắng.
Ông Mai Văn Tiết là một trong những người trồng thanh long ruột đỏ đầu tiên tại xã Bông Trang. Năm 2005, ông Tiết vô tình xem được một chương trình trên sóng VTV2 nói về hiệu quả mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Bình Thuận. Nhận thấy giống thanh long ruột đỏ cho nhiều quả, ăn ngon, lại phù hợp với khí hậu, đất đai của vùng đất mình đang sống, ông Tiết đã đến Trại thực nghiệm Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam ở tỉnh Tiền Giang và Trại thực nghiệm Trung tâm giống cây trồng tỉnh Bình Thuận để tìm hiểu và quyết định mang giống thanh long này về BR-VT. “Cầm trong tay gần 30 triệu đồng, chỉ đủ mua hom giống trồng trên 1 sào đất, đổ 100 cột bê tông và làm giàn cho thanh long leo. Thời điểm đó 30 triệu là lớn lắm, nhưng đã quyết thì phải làm cho đến nơi, đến chốn”, ông Tiết kể. Đất không phụ người, một năm sau, ông Tiết vui mừng hái vụ thanh long đầu tiên. Những quả thanh long chín đỏ, ngon ngọt đã được các nhà vườn trong tỉnh biết đến. Tới vụ, thương lái vào tận vườn mua với giá cao gấp 4 lần so với giá thanh long ruột trắng.
Ông Mai Văn Tiết (ấp Trang Định,xã Bông Trang) là người đầu tiên đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng tại xã Bông Trang đang chăm sóc cây thanh long có tuổi đời 20 năm. |
Nhận thấy nguồn lợi kinh tế cao từ việc trồng thanh long, đến nay người dân xã Bông Trang đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ vài trụ thanh long đầu tiên, đến nay diện tích thanh long tại xã Bông Trang lên tới 150ha.
Theo nghiên cứu của Trung tâm giống miền Đông Nam Bộ, đất đỏ bazan ở Bông Trang rất phù hợp với thanh long. Do đó, cây thanh long ở đây cho quả to (có thể đạt tới 1,2kg/quả), vị ngọt thanh khác hẳn với nhiều vùng đất khác trên cả nước nên rất được ưa chuộng. Tuổi thọ của cây thanh long có thể từ 20 đến 100 năm. Sau một năm trồng, thanh long bắt đầu ra bói, cây cho năng suất cao, ổn định bắt đầu từ năm thứ 2 đến năm thứ 10 của vòng đời. Hiện thanh long xã Bông Trang đang được Sở NN-PTNT và Sở KH-CN xây dựng thương hiệu nông sản độc đáo của tỉnh, nông dân trồng thanh long được hỗ trợ nhiều cả về kỹ thuật và vốn.
Theo những người trồng thanh long đã có kinh nghiệm trên 40 năm tại Bông Trang, để quả thanh long to, đòi hỏi người làm vườn phải có những kỹ thuật chăm sóc đặc biệt. Đối với đất, trước mỗi vụ mùa chính, người nông dân phải kiểm tra độ pH trong đất. Ông Đào Bá Trung (ấp Trang Định, xã Bông Trang) cho biết: Đất trồng thanh long cần đạt từ 4,5 đến 6,5 độ pH. Nếu nằm ngoài khoảng đó, cây thanh long sẽ khó phát triển tốt. Thanh long rất sai quả, trung bình mỗi lần ra hoa cây có thể đậu hàng trăm quả. Tuy nhiên để thanh long cho quả đạt chất lượng tốt, cần vặt bỏ bớt lượng hoa, mỗi cành chỉ giữ lại tối đa 1-2 quả và chỉ lấy quả ở dây chính của cây. Việc ngắt râu cho thanh long là một trong những khâu vô cùng quan trọng. Khi hoa nở, các cánh bắt đầu héo thì phải ngắt cánh hoa nếu không quả thanh long sẽ dễ bị đọng nước, gây nấm, chất dinh dưỡng sẽ tập trung nuôi cánh hoa khiến cho quả thanh long nhỏ và không đẹp.
KIM HỒNG