Theo quy định của pháp luật, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND, các ứng cử viên sẽ tiến hành vận động bầu cử. Để hiểu thêm về việc vận động bầu cử của các ứng cử viên, Báo BR-VT đã có buổi trao đổi với ông Lê Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy viên UBBC tỉnh.
•Phóng viên: Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, MTTQ các cấp sẽ tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) để người ứng cử vận động tranh cử. Đề nghị ông cho biết cụ thể về thời gian vận động bầu cử?
- Ông Lê Hồng Ngọc: Sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh có kế hoạch tổ chức TXCT để người ứng cử ĐBQH và HĐND vận động bầu cử. Các buổi TXCT này được tổ chức ngay tại đơn vị ứng cử của người ứng cử. Thời gian tiến hành vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (tức là ngày 28/4) và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ (ngày 22/5). Tại hội nghị, cử tri sẽ được nghe tóm tắt tiểu sử của người ứng cử; người ứng cử báo cáo cử tri về chương trình hành động của mình, đồng thời lắng nghe, ghi nhận các ý kiến của cử tri đề đạt nguyện vọng gì đối với người ứng cử khi trúng cử.
•Ngoài TXCT, ứng cử viên còn được vận động bầu cử thông qua các “kênh” truyền thông nào tại địa phương, thưa ông?
- Hiện nay, pháp luật quy định việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng 2 hình thức cơ bản, đó là gặp gỡ tiếp xúc với cử tri tại hội nghị TXCT địa phương nơi mình ứng cử theo quy định tại Điều 66 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Theo quy định tại Điều 67 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, ứng cử viên còn được vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, như: Đài PT-TH tỉnh, Báo BR-VT. Các phương tiện này đăng/phát tóm tắt tiểu sử, chương trình hành động của ứng viên ĐBQH và đại biểu HĐND, để người ứng cử báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu họ được bầu làm ĐBQH hoặc đại biểu HĐND; đồng thời trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm, tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc và hiểu rõ hơn người ứng cử để cân nhắc bầu chọn những người đủ tiêu chuẩn.
Ngoài 2 kênh chính thống nêu trên, hiện một số địa phương có sử dụng trang fanpage trên mạng xã hội để đăng thông tin của ứng viên cũng như cuộc bầu cử, tôi cho rằng, đây cũng có thể được xem là một “kênh” để người ứng cử tương tác với cử tri và vận động bầu cử cho mình, nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội và về vận động bầu cử, không được thực hiện các hành vi bị cấm.
Ông Huỳnh Văn Danh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy viên UBBC tỉnh kiểm tra điểm bầu cử tại khu vực bỏ phiếu khu phố Tân Phú (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ). Ảnh: QUANG VINH |
•Thưa ông, việc tổ chức vận động bầu cử phải tuân thủ theo quy định nào và cụ thể là như thế nào?
- Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm 3 nguyên tắc cơ bản đã được quy định tại Điều 63 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Thứ nhất, việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ công khai, bình đẳng đúng pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội. Thứ hai, người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó. Thứ ba, các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.
•Xin cảm ơn ông!
DIỄM QUỲNH
(thực hiện)