.
ÔNG PHẠM VĂN SƠN, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM ỨNG PHÓ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM

Chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu trên biển

Cập nhật: 20:09, 21/06/2020 (GMT+7)

Sự cố tràn dầu trên biển ở Việt Nam không chỉ gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, mà còn gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Trước các sự cố tràn dầu liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, để lại hậu quả nghiêm trọng, phóng viên Báo BR-VT đã trao đổi với ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó Môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về vấn đề này.

PV: Đề nghị ông thông tin về thực trạng sự cố tràn dầu trên biển những năm gần đây?

Ông Phạm Văn Sơn: Việt Nam là quốc gia biển, ngoài khơi Việt Nam hiện có nhiều mỏ dầu, cảng vận tải biển, cảng dầu đang được khai thác. Hàng năm vùng biển, ven biển Việt Nam phải chịu tác động của nhiều trận bão lớn và biến đổi thời tiết thất thường đe dọa thường trực sự cố tràn dầu. 

Tại Việt Nam, nguy cơ xảy ra các sự cố tràn dầu đang có xu hướng gia tăng, những năm gần đây, trung bình mỗi năm trên vùng biển Việt Nam có từ 3-4 vụ tràn dầu xảy ra trên biển.

Diễn tập xử lý sự cố tràn dầu trên biển KCN Cái Mép.
Diễn tập xử lý sự cố tràn dầu trên biển KCN Cái Mép.

 Theo thống kê, từ năm 1992 đến nay trên vùng biển Việt Nam có 190 sự cố tràn dầu xảy ra vào khoảng tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Trong đó, điển hình như sự cố tràn dầu tàu Formosa One xảy ra năm 2001 tại vịnh Gành Rái (tỉnh BR-VT), do không tuân thủ đúng chỉ dẫn của Cảng vụ Vũng Tàu, tàu Formosa One đã đâm vào tàu Petrolimex- 01, làm tràn đổ khoảng 900m3 (tương đương 750 tấn) dầu DO ra biển. Hay sự cố tràn dầu tàu Hồng Anh, xảy ra năm 2003, do sóng lớn làm đắm tàu Hồng Anh trong khu vực vịnh Gành Rái, làm tràn khoảng 100 tấn dầu FO, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ và các khu vực nuôi trồng thủy sản. Tổng thiệt hại về kinh tế và môi trường do sự cố gây ra lên tới hàng chục tỷ đồng...

* Nguyên nhân của các sự cố tràn dầu là do đâu và gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào cho môi trường, thưa ông?

- Nguyên nhân dẫn đến các sự cố tràn dầu thường do hoạt động khai thác dầu khí, đâm va tàu chứa dầu hoặc chở dầu; vỡ ống dẫn dầu hoặc do biến động thời tiết… Ngoài ra còn có một loại sự cố không rõ nguyên nhân, chẳng hạn như việc phát hiện dầu vón cục dạt vào bờ ở Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) năm 2017; dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển BR-VT qua các năm 2015, 2019... 

Rất nhiều DN chủ quan cho rằng sự cố tràn dầu rất ít khi xảy ra, thậm chí xác xuất gần như bằng 0. Do đó, khi sự cố tràn dầu xảy ra, các DN rất lúng túng trong ứng phó, không khẩn trương kiểm soát được ô nhiễm khiến dầu tràn loang rộng. Sự cố tràn dầu trên biển đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, làm ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, đầm phá và các rạn san hô, bởi dầu tràn có chứa độc tố làm tổn thương và có thể gây suy vong hệ sinh thái.

* Để chủ động ứng phó và xử lý sự cố tràn dầu trên biển, ông có đề xuất nào cho công tác này bảo đảm hiệu quả thực tiễn cao hơn?

- Để phòng ngừa, ứng phó và xử lý tốt sự cố tràn dầu trên biển và ven biển, BR-VT cần xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ sự cố tràn dầu, bản đồ nhạy cảm tràn dầu, nhất là mô hình tính toán sự lan truyền dầu ứng với các kịch bản tràn dầu khác nhau. Bên cạnh đó, các cơ quan có liên quan cũng hướng dẫn phương pháp, quy trình điều tra, đánh giá xử lý tràn dầu; hướng dẫn phục hồi môi trường khu vực ô nhiễm do tràn dầu… cho các DN để xử lý nhanh nhất khi có sự cố dầu tràn xảy ra. 

BR-VT là một trong những vùng biển kinh tế trọng điểm của phía Nam, phát triển ngành dầu khí và cảng biển càng cần thiết phải xây dựng kế hoạch, triển khai những hoạt động thiết thực như: tổ chức đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó lấy thực hành và rèn luyện kỹ năng làm trọng yếu; xây dựng, phát triển các trạm ứng phó sự cố môi trường nhằm giúp DN kịp thời nhận ra nguy cơ tiềm ẩn để loại trừ, không để sự cố xảy ra đồng thời giúp quản lý tốt hơn về công tác an toàn môi trường, nhất là liên quan hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh, lưu chứa dầu, hóa chất …

* Xin cảm ơn ông!

QUANG VŨ (Thực hiện)

 

 

.
.
.