.

Không cổ súy bạo lực

Cập nhật: 19:27, 02/09/2019 (GMT+7)

Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội thường xuất hiện các video có nội dung bạo lực, giang hồ, bị đánh giá là thô tục, nhảm nhí thu hút lượng người xem đông đảo. Điển hình là video của nhân vật Thắng “Cá chép”, có nội dung được cho là “hành hiệp trượng nghĩa” như: “Xử lý nhóm côn đồ lừa đảo tống tiền chuyên nghiệp”, “Giúp đỡ em gái sinh viên bị ép phục vụ khách kiếm tiền trả nợ, chữa bệnh cho bố”, “Giúp bà mẹ ốm yếu dạy dỗ đứa con bất hiếu”...

Điều đáng nói, cách nhóm người này “hành hiệp trượng nghĩa” không phải dùng lý lẽ hay báo cơ quan chức năng mà là lấy hành vi bạo lực để giải quyết vấn đề. Chưa kể, khi những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng được đưa lên mạng xã hội, nhiều người vô can bỗng nhiên bị nhiều người lạ chửi bới, dọa dẫm vì... “ném đá” nhầm. Và đôi khi chính những video mang tính bạo lực nêu trên lại “cổ vũ” những kẻ đi bắt nạt khác xem rồi bắt chước.

Trước đó trên mạng xã hội đã xuất hiện nhân vật Ngô Bá Khá (Khá “Bảnh”) nổi tiếng vì nhiều hành động và phát ngôn ngông cuồng. Sau đó Khá “Bảnh” bị Cơ quan CSĐT Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội “Đánh bạc và tổ chức đánh bạc”.  Tương tự, lợi dụng mạng xã hội, nhân vật Phúc XO liên tục có những chiêu trò PR hiếm có như xuất hiện trên các trang youtube thông báo vừa mua nón vàng, vừa nhập về Việt Nam siêu xe mạ vàng, chuẩn bị đặt thiết kế áo giáp vàng. Hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội đều được Phúc XO đều tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngoài ra, Phúc XO còn chơi trội khi “khoe” sở hữu những siêu xe gắn máy, mô tô và ô tô mạ vàng cực độc…Tất cả đều được Phúc XO truyền tải thông qua mạng youtube, nhắm đến việc tạo dựng hình ảnh một đại gia Phúc XO không… đụng hàng, mục đích cuối là quảng bá cho quán karaoke và các hoạt động kinh doanh khác.

Có thể thấy rằng những hình ảnh, hành vi bạo lực trên mạng nêu trên sẽ tạo ra những hiệu ứng mà ta có thể gọi như “mồi lửa” cho hành vi bạo lực thật. Đặc biệt là trẻ em, thanh niên dễ bị kích thích bởi những hình ảnh bạo lực mà mình xem trên mạng. Đồng thời, các hành vi bạo lực trên mạng dần dần sẽ được các bạn trẻ nhập tâm, thành một phần trong tiềm thức, khi gặp một tình huống trong đời thực tương tự như những thứ các em đã xem thì các em sẽ diễn lại các hành vi đó một cách rất bộc phát.

Từ thực tế trên cho thấy cần phải cực lực lên án và ngăn chặn việc đưa những hành vi bạo lực, từ ngữ thô tục lên mạng xã hội nhằm mục đích câu “view”, có lợi cho vấn đề kinh doanh, mua bán bất hợp pháp. Hành động lấy danh “hành hiệp trượng nghĩa” để thực hiện các hành vi cổ vũ bạo lực là đáng lên án, có thể gây ảnh hưởng đến nhận thức của thanh thiếu niên, đối tượng người xem. Do đó, mỗi gia đình cần đặt ra những nguyên tắc để quy định cho các thành viên không sử dụng ngôn ngữ thiếu lành mạnh khi bình luận hay đăng các bài viết trên mạng xã hội, tuân thủ nghiêm Luật An ninh mạng. Không phê phán, chỉ trích, xúc phạm cá nhân và tập thể trên mạng xã hội và đặc biệt là không tham gia cổ súy cho việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong đời sống hằng ngày. Mọi sự việc xảy ra phải được trình báo đến các cơ quan chức năng để được xem xét và giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

PHƯƠNG LONG

.
.
.