Cần quy hoạch, tổ chức các bãi tắm công cộng
Trong quá trình phát triển các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven biển của tỉnh, nhiều nơi đã xây dựng công trình liền kề, kín cổng cao tường, khiến cho người dân địa phương và du khách bị bít lối đi xuống biển. Vì vậy, việc quy hoạch và tổ chức các bãi tắm công cộng, đáp ứng nhu cầu của người dân là đòi hỏi đang được đặt ra.
Người dân địa phương tắm biển ở bãi tắm công cộng tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc. |
Thời gian gần đây, tại các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh ở xã Bình Châu, xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc), nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải tổ chức các bãi tắm công cộng dành cho người dân địa phương và du khách. Ông Phạm Quỳnh Thọ (ngụ ấp Bến Lội, xã Bình Châu) cho biết, nhiều năm qua, một số chủ đầu tư dự án du lịch xây dựng hàng rào, làm cản trở đường xuống bãi biển của người dân. Trong khi đó, số lượng bãi tắm công cộng còn quá ít.
Phản ánh của ông Phạm Quỳnh Thọ không phải không có cơ sở. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc có đến 32km bờ biển, nhưng chỉ có 3 bãi tắm công cộng ở khu vực Hồ Tràm, Hồ Cốc và Bưng Riềng. Trong nhiều năm trở lại đây, các khu vực ven biển của huyện Xuyên Mộc là những điểm đến hấp dẫn. Nhiều DN đã xin thực hiện các dự án du lịch nghỉ dưỡng. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư 32 dự án ven biển Xuyên Mộc. Trong đó, nhiều dự án sử dụng đất lớn như: khu du lịch Bàu Bàng, Phương Khanh, Nguyễn Thanh, Cát Vân, Hiền Nga, Tiến Thịnh, Trung Tín, Địa Lợi, Quảng Trọng, Khu sinh thái Hoa Rừng, khu biệt thự nghỉ dưỡng Sông Lô… Tuy nhiên, ngoài một số chủ đầu tư có năng lực thực sự để triển khai dự án, trong số này, còn nhiều dự án chậm triển khai. Vì vậy, huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh xử lý. Trên cơ sở đó, đề xuất tỉnh cho phép quy hoạch vài khu đất để đầu tư xây dựng các bãi tắm công cộng, dành cho người dân trong huyện và khách du lịch vãng lai.
Tương tự, tại huyện Đất Đỏ, dọc tuyến đường ven biển từ mũi Kỳ Vân đến khu du lịch Lộc An chỉ có 1 bãi tắm công cộng. Khu vực TP.Vũng Tàu, tuy vài nơi đã có bãi tắm công cộng được quy hoạch, nhưng cũng còn rất ít so với nhu cầu. Một số bãi tắm tự phát, như bãi tắm cạnh nhà hàng Gành Hào 2, bãi tắm trước Khách sạn Ô Cấp trên đường Hạ Long. Ở khu vực Bãi Sau, tuy bờ biển trải dài mấy cây số, nhưng chỉ có vài lối đi xuống biển, bởi nơi đây hiện có 9 đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch sát bờ biển, xây dựng hàng rào liền kề, không chừa lối đi xuống biển.
Tỉnh BR-VT có chiều dài bờ biển khoảng 150km với nhiều bãi biển đẹp, thu hút lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng rất lớn, nhất là vào các dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần. Vì vậy, cần thực hiện điều chỉnh quy hoạch khu vực ven biển, chú trọng yếu tố bảo đảm hài hòa lợi ích cộng đồng dân cư và DN.
Về mô hình bãi tắm công cộng “văn minh, an toàn, hiện đại”, có thể tham khảo tại TP.Đà Nẵng. Ở địa phương này, hiện đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng tại khu vực bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch, đưa vào sử dụng công trình trạm điều hành, khu ẩm thực, khu bán hàng lưu niệm, lối lên xuống biển, vỉa hè, cây xanh, 21 điểm giữ xe, 8 khu nhà tắm nước ngọt dọc các tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Hoàng Sa; 7 khu vực chơi thể thao, 500 ghế đá, 20 nhà vệ sinh công cộng… nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, tắm biển của người dân địa phương và du khách.
Tỉnh Bình Định cũng quan tâm đến việc xây dựng các bãi tắm công cộng “văn minh, an toàn, hiện đại”. Theo đó, tỉnh này đã thông báo chủ trương sẽ tổ chức giải tỏa 3 khách sạn Bình Dương, Hoàng Yến và Hải Âu để trả lại không gian thông thoáng trước mặt biển của TP.Quy Nhơn. Sau khi giải tỏa, không gian này sẽ dành để xây dựng công viên công cộng và bãi tắm, đáp ứng các nhu cầu vui chơi, giải trí và tắm biển của nhân dân.
Nhưng việc quy hoạch và xây dựng các bãi tắm công cộng cần có sự vào cuộc quyết liệt của các các địa phương. Trước mắt, cần rà soát và có giải pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án ven biển không thực hiện đúng cam kết đầu tư… Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng khu vực ven biển, theo hướng bảo đảm hài hòa về lợi ích và có không gian mở cho sinh hoạt công cộng.
PHƯƠNG ANH