Nắng nóng gay gắt cùng với những cơn mưa trái mùa bất chợt khiến môi trường nuôi bị ảnh hưởng, nhiều ao nuôi tôm bị thiệt hại, người nuôi chưa dám thả giống vụ mới.
![]() |
Nhân viên trang trại nuôi tôm của ông Phan Đức Đạt (xã Phước Hội, huyện Long Đất) thường xuyên kiểm tra độ pH trong ao nuôi nhằm quản lý chặt chẽ các biến động trong môi trường nước, tránh tôm bị dịch bệnh. |
Cẩn trọng thả giống vụ mới
Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Chợ Bến (huyện Long Đất) cho biết, HTX đã thu hoạch tôm được khoảng 1 tháng nhưng đến nay vẫn chưa dám thả nuôi vụ mới vì thời tiết cực đoan, mưa trái mùa ảnh hưởng đến môi trường nuôi. “Môi trường nuôi không ổn định, tôm dễ bị bệnh chết nên chúng tôi tranh thủ vệ sinh lại ao kỹ chờ thời tiết thuận lợi hơn mới thả giống”, ông Thuyết nói.
Trước đó, trang trại nuôi tôm Mạnh Cường 1, Mạnh Cường 2 của ông Phạm Kim Cường, gần HTX Chợ Bến thả vụ mới 1 triệu con giống đã mất trắng vì thời tiết bất lợi làm tôm nhiễm bệnh EHP (vi bào tử trùng), thiệt hại cả tỷ đồng. “Đây là một trong những trang trại nuôi tôm lớn, có nhiều kinh nghiệm trong tỉnh mà còn bị ảnh hưởng nên chúng tôi phải cẩn trọng trong việc thả nuôi vụ mới”, ông Thuyết thông tin.
HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP.Bà Rịa) cũng đã “treo đùng” gần 2 tháng nay. Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX cho biết, tranh thủ thời gian “treo đùng” HTX sửa chữa, nâng cấp lại hệ thống ao, vệ sinh chuồng trại thật kỹ để diệt vi khuẩn, mầm mống gây bệnh các loại như bệnh về đường ruột, vi bào tử trùng EHP, hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng,… Ông Chuyên dự tính qua tháng 6 khi thời tiết vào mùa mưa, nắng bớt gay gắt hơn mới thả nuôi lại.
Tăng cường giám sát môi trường nuôi
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản cho thấy chất lượng môi trường có xu hướng suy giảm, một số thông số pH, độ kiềm, hàm lượng NH4-N, NO2-N, COD vượt giới hạn cho phép. Hiện nay, thời tiết đang có nhiều thay đổi bất thường, môi trường nước có nhiều biến động dễ xảy ra một số bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 5.689ha với tổng sản lượng nuôi trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 7.700 tấn. Trong đó diện tích nuôi tôm là 2.891ha với sản lượng đạt 2.915 tấn.
(Nguồn: Sở Nông nghiệp và Môi trường)
|
Trước tình hình thời tiết cực đoan, nhằm ngăn ngừa các dịch bệnh trên tôm và thủy sản nuôi có thể xảy ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản năm 2025.
“Chúng tôi đã yêu cầu trạm chăn nuôi, trồng trọt và khuyến nông các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; chủ động điều tra dịch tễ và theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để chỉ đạo và có hướng xử lý kịp thời khi phát hiện thủy sản chết hay có dấu hiện bất thường”, ông Huỳnh Văn Thêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết.
Sở Nông nghiệp và Môi trường khuyến cáo người nuôi lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt, thực hiện ương tôm giống trước khi thả nuôi thương phẩm, chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 30 độ C (sáng sớm hoặc chiều mát) và thả nuôi với mật độ hợp lý tùy theo các hình thức nuôi.
Người nuôi nên thường xuyên kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ nước. Duy trì mực nước trong ao trên 1,5 m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10-18h và ban đêm. Những nơi có điều kiện thay nước có thể thay từ 15-20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (tốt nhất vào sáng sớm).
Nếu có điều kiện, người nuôi nên dùng lưới lan che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho tôm nuôi. Đặc biệt theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi chặt chẽ, bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất vào khẩu phần thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm, tăng cường sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm cải thiện chất lượng nước.
Ngoài ra, người nuôi cũng lưu ý chủ động thu hoạch tôm khi đạt kích cỡ thương phẩm hoặc san thưa mật độ ngay khi thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra.
Bài, ảnh: NGỌC MINH