Dữ liệu PGI 2024 vừa công bố ngày 6/5 cho thấy, Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ 14 trên cả nước với 26.26 điểm; xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Bộ (sau Bình Dương). Như vậy, sau 3 năm áp dụng, đánh giá chỉ số PGI, Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục duy trì thứ hạng cao trên cả nước. Đó là thứ hạng 19 vào năm 2022, năm 2023 xếp thứ 8 và thứ 14 năm 2024.
Dù rớt hạng so với năm 2023 nhưng xét ở chỉ số điểm thành phần của năm 2024, PGI của tỉnh đã gia tăng đáng kể. Cụ thể, điểm về giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu từ 7,66 điểm (năm 2023) tăng lên 7,75 điểm (2024); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu từ 6,28 (năm 2023) tăng lên 7,56 (2024); vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường từ 4,44 điểm (2023) tăng lên 4,65 (2024); chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường từ 5,09 (năm 2023) tăng lên 6,30 (2024). Điều này cho thấy sự nỗ lực của tỉnh trong việc thực thi các chính sách về bảo vệ môi trường trong thời gian qua.
Tương tự cách tiếp cận của PCI, chỉ số PGI tập hợp cảm nhận của DN và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng DN về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. PGI cấp tỉnh được xây dựng để cung cấp thông tin phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, thiên tai và biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của DN. Chỉ số PGI bao gồm 4 chỉ số thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; chính sách và dịch vụ hỗ trợ DN trong bảo vệ môi trường.
Như vậy, một địa phương được coi là chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho DN; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh; khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.
Bà Rịa-Vũng Tàu đang hướng đến mục tiêu năm 2050 trở thành tỉnh đầu tiên ở Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0. Kết quả đánh giá, xếp hạng PGI 2024 cho thấy, để hướng tới đạt mục tiêu trên, tỉnh cần triển khai giải pháp cụ thể hơn trong việc cải thiện chỉ số môi trường tỉnh đến xây dựng hệ thống quản trị đủ mạnh để các nhà hoạch định chính sách có thể ứng phó hiệu quả về biến đổi khí hậu; tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
LAM GIANG