Biến rơm rạ thành... tiền

Thứ Hai, 05/05/2025, 17:22 [GMT+7]
In bài này
.

Thay vì đốt bỏ như trước đây, thì nay rơm rạ còn lại trên các cánh đồng sau thu hoạch được nông dân thu gom để bán cho khách hàng. Việc này vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Nông dân xã Láng Dài, huyện Long Đất thu gom rơm để bán.
Nông dân xã Láng Dài, huyện Long Đất thu gom rơm để bán.

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ rơm rạ

Làm nghề cuốn rơm hơn chục năm nay, ông Nguyễn Minh Tiến, ấp Cây Cám, xã Láng Dài (huyện Long Đất) cho biết, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, ông thu mua rơm rạ bỏ lại trên các cánh đồng, rồi đưa máy đến cuốn đem về trữ trong kho. Vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, ông Tiến hợp đồng thu mua rơm rạ hơn 50ha, trung bình mỗi ha cuốn được 200 cuộn rơm. Mỗi cuộn rơm bán ra dao động 30-35 ngàn đồng, tùy địa điểm giao hàng gần hay xa. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông Tiến thu lãi cả trăm triệu đồng/vụ lúa.

Tại huyện Châu Đức, ông Đào Văn Tâm, ở thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc được xem là tiên phong trong vùng khi mạnh dạn vay vốn đầu tư, đồng bộ cơ giới hóa nông nghiệp từ máy cày, xới, máy cuốn rơm cho đến xe chở rơm. Chục năm nay, nhờ vừa cày ruộng, kèm theo cuốn rơm nên gia đình ông Tâm có doanh thu và lợi nhuận ổn định.

Ông Tâm cho biết, nhờ có máy móc hỗ trợ, việc sản xuất, kinh doanh của gia đình ông cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, tạo thêm việc làm cho 4 lao động địa phương.

“Cứ mỗi ha ruộng, sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 3 triệu đồng từ tiền bán rơm cho các hộ chăn nuôi bò, trồng nấm, trồng cây ăn trái. Từ ngày sắm thêm chiếc máy cuốn rơm, tôi làm không hết việc, vì ở các xã Bình Giã, Bình Trung, Xuân Sơn, Đá Bạc có cả ngàn ha trồng lúa”, ông Tâm cho biết thêm.

Ông Đào Văn Tâm (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chở rơm cuộn từ đồng về dự trữ trong kho.
Ông Đào Văn Tâm (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chở rơm cuộn từ đồng về dự trữ trong kho.

Không để lãng phí rơm rạ

Những ngày này, nông dân các xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc); Láng Dài, An Nhứt (huyện Long Đất) và huyện Châu Đức đã thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân 2024-2025. Trên các cánh đồng, những chiếc máy cuốn rơm rạ đang hoạt động hết công suất để gom hàng bán cho khách. Thời tiết hiện khô nóng nên thuận lợi cho việc cuốn rơm rạ, vận chuyển đến điểm tập kết mang đi tiêu thụ hoặc đưa về các kho chứa.

Theo ông Lê Văn Tứ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - Môi trường huyện Châu Đức, đốt bỏ rơm rạ trên đồng vừa lãng phí, vừa tạo ra khói bụi gây ảnh hưởng xấu cho môi trường. Rơm là nguồn phân hữu cơ thân thiện môi trường, dùng để che đậy, giữ ẩm cho đất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhiều loại cây trồng như rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng. Ðây cũng là nguồn thức ăn có thể trữ lâu dành cho bò. Bên cạnh đó, rơm rạ còn để che chắn, bảo vệ trái cây khi vận chuyển đi xa hay sử dụng trong một số lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, dùng làm hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng.

"Nhờ thu gom rơm rạ bán mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện có cuộc sống khá lên. Hiện nay, công cuốn 1 cuộn rơm 5.000 đồng, giá bán 1 cuộn rơm hơn 30.000 đồng, giúp nông dân có thu nhập khá ổn định”, ông Tứ cho hay.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG-THANH DƯƠNG

 

;
.