Lần đầu tiên, Bà Rịa - Vũng Tàu vào top 10 chuyển đổi số

Chủ Nhật, 09/02/2025, 18:02 [GMT+7]
In bài này
.

Thành tích vào Top 10 bảng xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số của cả nước, cho thấy tín hiệu lạc quan từ những nỗ lực của Bà Rịa - Vũng Tàu trong hỗ trợ DN, người dân tham gia tích cực vào chuyển đổi số.

Xã Hòa Long là điểm sáng của tỉnh trong hỗ trợ người dân tham gia vào môi trường số.  Trong ảnh: Tuyên truyền và cài đặt ứng dụng không dùng tiền mặt tại địa phương.
Xã Hòa Long là điểm sáng của tỉnh trong hỗ trợ người dân tham gia vào môi trường số. Trong ảnh: Tuyên truyền và cài đặt ứng dụng không dùng tiền mặt tại địa phương.

Top đầu cả nước về hỗ trợ người dân tham gia môi trường số

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (DTI) năm 2023. Trong đó, với 0,7353 điểm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thăng hạng ngoạn mục với 18 bậc so với năm 2022 (0,5878 điểm), qua đó lần đầu tiên lọt vào Top 10 bảng xếp hạng các địa phương của cả nước.

Phân tích sâu về các chỉ số thành phần, một điểm nổi bật là Bà Rịa-Vũng Tàu vượt qua các tỉnh, thành phố top đầu cả nước trong chuyển đổi số như Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội để đứng đầu ở chỉ số thành phần “hoạt động xã hội số”. Điều này cho thấy, Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương có nhiều mô hình giúp người dân tham gia tích cực, hiệu quả vào môi trường số.

Như tại xã Hòa Long, TP. Bà Rịa, địa phương liên tiếp đứng đầu tỉnh trong bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp xã đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao. Chợ 4.0 là một trong số đó. Ông Nguyễn Văn Hoàng, phó trưởng Ban Quản lý chợ Hòa Long cho biết, trước đây, người dân, tiểu thương vẫn còn e ngại khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Địa phương đã tổ chức tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng số cơ bản, trong đó có việc sử dụng các phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt.

“Nhờ đó, nhiều bà con tại xã Hòa Long đã hiểu về lợi ích và biết sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, khoảng 70-80% giao dịch tại chợ Hòa Long được thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Hoàng thông tin thêm.

Còn tại TP. Vũng Tàu, thông tin từ phòng Kinh tế TP. Vũng Tàu cho biết, phần nhiều DN, cơ sở kinh doanh tại địa phương ứng dụng tốt các nền tảng công nghệ số. Các địa bàn cơ bản sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý hàng hóa, kho vật tư, nhân sự, website thương mại điện tử và gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Các hộ sản xuất nông nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đều có tài khoản trên các sàn thương mại điện tử…

“Có 420 DN bán lẻ hàng hóa tại Vũng Tàu (đạt 46,7% tổng số) có kinh doanh trên trang thương mại điện tử. Trên 90% DN nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng số và toàn bộ DN đều sử dụng hóa đơn điện tử”, bà Hường thông tin thêm.

Tiếp tục chiến lược xây dựng Chính quyền số, đô thị thông minh

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, tiếp nối những thành công đạt được trong năm 2023 (Top 10 cả nước trong bảng xếp hạng vừa công bố), công tác chuyển đổi số của tỉnh năm 2024 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn bộ các khâu đột phá đặt ra từ đầu năm là Đưa vào vận hành dữ liệu tập trung phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; Phát triển hạ tầng số với 200 trạm 5G phục vụ người dân, khách du lịch trên địa bàn tỉnh, hướng tới tắt mạng 2G và Nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa đạt 70% đều hoàn thành.

Tỉnh cũng hoàn thành 36 trong tổng số 37 chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, trong đó một số chỉ tiêu tăng vượt trội so với năm trước như: Tỷ lệ kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định được số hóa đạt 100%; Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, DN thực hiện trực tuyến từ xa, không đến trực tiếp cơ quan nhà nước đạt 72,31%. Các chỉ tiêu này cũng đều cho thấy, người dân, DN của tỉnh đã dần quen thuộc với việc thực hiện các thủ tục hành chính và giải quyết nhu cầu công việc, cuộc sống trên môi trường số.

Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh cho biết, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị của tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Chính quyền số, đô thị thông minh như: triển khai, phủ sóng mạng băng thông rộng di động 5G toàn bộ khu đô thị, KCN, khu kinh tế, cảng biển, sân bay của tỉnh; hoàn thiện Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh, kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai thử nghiệm Kho dữ liệu số và Cổng dữ liệu mở của tỉnh nhằm cung cấp dữ liệu cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu, tổ chức đánh giá trước khi thực hiện các thủ tục đầu tư; triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để người dân, DN chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
;
.