Ngay những ngày đầu năm 2025, hai tuyến Vành đai 3 và 4 TP.Hồ Chí Minh có bước biến chuyển mới, cộng với các dự án cao tốc khác đã được khởi động đem đến kỳ vọng bứt phá về hạ tầng giao thông ở vùng Đông Nam Bộ.
![]() |
Thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa. Ảnh: TRÀ NGÂN |
Từ 4 tuyến vành đai TP.Hồ Chí Minh
Đông Nam Bộ với vai trò mở lối đi trước về hạ tầng giao thông sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội cho cả vùng. Đây là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Điển hình là vào mùng 4 Tết (tức ngày 1/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công dự án đường bộ cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Trước đó 1 tuần, ngày 23/1, cao tốc Bến Lức-Long Thành cho lưu thông 2 đoạn đầu và cuối tuyến với tổng chiều dài 9,5km. Theo ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa”, ngày 7/2, VEC đã chính thức làm lễ thông xe.
Cuối năm 2024, Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo về tiến độ mới của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-TP.Hồ Chí Minh.
Đây là dự án trục giao thông chiến lược kết nối TP.Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa từ các khu công nghiệp, khu đô thị đến cảng biển, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành và ngược lại, kết nối các đô thị, khu công nghiệp trong vùng, tạo liên kết vùng, phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án đường Vành đai 4-TP.Hồ Chí Minh được quy hoạch từ năm 2011, đi qua 5 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 159,31km; trong đó dự án qua Bà Rịa-Vũng Tàu 18,23km, Đồng Nai 46,08km, TP.Hồ Chí Minh dài khoảng 16,7km, Long An dài 78,3km (bao gồm đoạn qua Long An dài 74,5km, đoạn qua TP.Hồ Chí Minh dài 3,8km).
Theo Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Vành đai 4 sẽ kết nối với tất cả các tuyến cao tốc hiện tại và tương lai, giúp thúc đẩy sự phát triển không chỉ của TP.Hồ Chí Minh mà còn của các tỉnh phía Nam. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ trở thành một phần quan trọng của chuỗi liên kết liên ngành và liên địa phương hiệu quả.
Tuy nhiên, Vành đai 4 là tuyến cao tốc khởi động sau cùng trong 4 tuyến Vành đai của TP.Hồ Chí Minh. Hai tuyến Vành đai 1 và 2 nằm trọn trong địa phận TP.Hồ Chí Minh (Vành đai 1 có một đoạn đi qua tỉnh Bình Dương tại cầu vượt Sóng Thần) xây dựng với mục đích tạo thuận tiện cho giao thông giữa nội và ngoại thành. Dự án Vành đai 3-TP.Hồ Chí Minh đi qua 4 địa phương TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, có chiều dài hơn 76km, với tổng mức đầu tư dự án hơn 75.300 tỷ đồng, bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Công trình đã được các địa phương khởi công từ tháng 6/2023, với kỳ vọng cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Đến mạng lưới cao tốc vùng Đông Nam Bộ
Nếu như tuyến Vành đai 2 và Vành đai 3 có tính chất kết nối chủ yếu trong nội vùng Đông Nam Bộ, Vành đai 4 mở rộng việc kết nối TP.Hồ Chí Minh với các khu vực khác như Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên thì các tuyến cao tốc đang song song khởi động đã hoàn thiện cho bức tranh kết nối giao thông hoàn chỉnh.
Mạng lưới giao thông này sẽ hình thành một vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ và logistics, tạo tiền đề cho sự phát triển các khu vực, đô thị và các trung tâm công nghiệp, dịch vụ dọc tuyến. Đó là cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài hơn 53km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026. Đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có hơn 90% diện tích mặt đường được trải đá dăm, phấn đấu thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30/4/2025, sớm hơn 8 tháng so với thời hạn Chính phủ giao và vượt khoảng 4 tháng so với cam kết ban đầu của nhà thầu.
Theo Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam, Dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành dài gần 58km, đi qua 3 địa phương Long An, TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng.
Tính đến nay, sản lượng toàn dự án đạt trên 90%. Ngay sau Tết Nguyên đán, 2 đoạn đầu cuối đã được thông xe. Dự kiến, thông xe toàn tuyến trong năm 2025, giúp kết nối Đông Nam Bộ-Tây Nam Bộ cũng như kết nối liên hoàn với các tuyến cao tốc chính như TP.Hồ Chí Minh-Trung Lương, TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và Biên Hòa-Vũng Tàu, góp phần phát triển kinh tế cho cả vùng.
Sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành kết nối từ đường Vành đai 3-TP.Hồ Chí Minh đến thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) đã bấm nút khởi công. Đây là đường cao tốc đầu tiên kết nối TP.Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bình Phước và sẽ tiếp tục liên thông với đường cao tốc Chơn Thành-Gia Nghĩa (Đắk Nông) để kết nối lên Tây Nguyên, tạo động lực phát triển cho các địa phương, mở ra không gian phát triển mới.
Mới đây, Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mộc Bài-TP.Hồ Chí Minh. Đây là một tin vui cho TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Dự án này là trục kết nối giao thông trong quy hoạch hành lang xuyên Á, kết nối tuyến cao tốc Bavet-Phnom Penh (thuộc Campuchia và Lào).
Dự kiến năm nay, dự án sẽ được khởi công và phấn đấu đưa vào khai thác năm 2027 để đồng bộ với cao tốc Bavet-Phnom Penh. Đây là tuyến cao tốc 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Dọc cao tốc có 5 nút giao lớn sẽ được xây dựng kết nối các đường cắt qua, gồm Vành đai 3, tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 8, ĐT.787B, Quốc lộ 22B và Quốc lộ 22.
Như vậy, năm 2025, các địa phương vùng Đông Nam Bộ và các bộ ngành Trung ương quyết tâm thúc đẩy nhanh tiến độ những dự án hạ tầng giao thông để khơi thông các điểm nghẽn, tăng cường kết nối vùng, mở ra không gian phát triển để tiến nhanh vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình không chỉ cho các tỉnh phía Nam mà còn cho cả nước.
TỊNH LÂM