Ngành thép được nhận định không chịu áp lực lớn từ việc Mỹ đánh thuế 25% toàn bộ thép nhập khẩu vào quốc gia này. Tuy nhiên, các DN trong lĩnh vực này cũng không chủ quan, đang chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tránh rủi ro và tìm cơ hội phát triển mới.
![]() |
Các DN thép trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Công ty CP China Steel & Nippon Steel Việt Nam. |
Ảnh hưởng không lớn
Theo Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, trước khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ thì sản phẩm thép của nước ta nhập khẩu vào thị trường này đã phải chịu mức thuế tương tự theo Mục 232 (Đạo luật Thương mại mở rộng). Do đó, sản phẩm thép không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sắc lệnh mới này của Tổng thống Mỹ.
Cùng với đó, tỷ trọng xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ so với tổng lượng sản xuất khá nhỏ. Tính trong năm 2024, Việt Nam sản xuất được 21,98 triệu tấn thép thô và 29,43 triệu tấn thép thành phẩm, nhưng xuất khẩu sang Mỹ chỉ khoảng 1,36 triệu tấn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng đối với xuất khẩu thép của Việt Nam, chỉ sau ASEAN và EU. Cùng với đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn có nguy cơ leo thang. Lúc đó, Mỹ có thể tiếp tục siết chặt các chính sách thương mại với các nước có quan hệ thương mại mạnh với Trung Quốc, bao gồm Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến các rào cản thương mại khác ngoài thuế quan với ngành thép, như hạn ngạch nhập khẩu hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe hơn.
Cùng với đó, việc Mỹ áp thuế nhập khẩu với tất cả nhôm, thép nhập khẩu có thể gây ra tình trạng các quốc gia bị áp thuế khác sẽ tìm cách bảo hộ sản xuất nội địa, dẫn đến xuất khẩu thép và nhôm của Việt Nam sang các thị trường này sẽ gặp khó khăn.
Theo thống kê của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh có 16 DN sản xuất thép trọng điểm. Trong năm 2024 và đầu năm 2025, ngành thép đón nhận những tín hiệu tích cực. Nhu cầu và giá thép đều có dấu hiệu hồi phục. Ước tính hiện nay, các DN thép tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang sản xuất khoảng 75-85% tổng công suất.
|
Doanh nghiệp thép “tìm cơ trong nguy”
Dù chịu ảnh hưởng nhất định từ chính sách thuế của Mỹ, các DN ngành thép vẫn lạc quan về triển vọng phát triển trong năm 2025. Việc Mỹ áp thuế cao có thể làm gián đoạn nguồn cung thép giá rẻ vào thị trường này, trong khi các DN Mỹ khó có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu nội địa trong ngắn hạn. Do đó, Mỹ có thể xem xét miễn thuế cho một số quốc gia để bảo đảm nguồn cung (điều từng có tiền lệ). Việt Nam, với tư cách là “đối tác chiến lược toàn diện” của Mỹ, có lợi thế khi đàm phán.
Để tận dụng được thời cơ này, các DN thép trên địa bàn tỉnh đang chủ động tăng cường năng lực nội tại, đổi mới phương thức, quy trình sản xuất… cho ra những sản phẩm cao cấp, tiết kiệm chi phí để tăng lợi nhuận; đồng thời đa dạng hóa đối tác, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”.
Ông Peng Wei-Yeh, Tổng Giám đốc Công ty CP China Steel & Nippon Steel Việt Nam (CSVC-KCN Mỹ Xuân A2) cho biết, cùng với việc nâng cấp dây chuyền sản xuất tự động hóa, giảm sai sót do con người để bảo đảm chất lượng sản phẩm, DN cũng xây dựng chiến lược để phát triển phù hợp. Thị trường chính mà DN nhắm đến vẫn là trong nước, với các sản phẩm chất lượng cao cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy và đồ gia dụng. Cùng với đó, CSVC cũng tiếp tục phát triển các thị trường xuất khẩu có giá trị cao, đặc biệt là Mexico, Ấn Độ và Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, các DN ngành thép kỳ vọng thị trường trong nước sẽ khởi sắc trong năm 2025 nhờ sự phục hồi của ngành bất động sản và đầu tư công.
Tuy nhiên, một số DN lo ngại vật liệu giá rẻ từ các quốc gia khác có thể tràn vào thị trường Việt Nam, gây áp lực lên ngành thép trong nước. Vì vậy, DN thép kiến nghị cần có biện pháp phòng vệ thương mại để ngăn chặn sự cạnh tranh không công bằng.
Bài, ảnh: QUANG VINH