Những cơn mưa trái mùa và trời se lạnh đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của hoa Tết khiến nhiều nhà vườn lo lắng.
Nông dân phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa) chăm sóc hoa Tết. |
Nụ rụng, hoa nở sớm
Tại làng hoa Kim Dinh, TP.Bà Rịa, bà Lê Thị Ngọc, ngụ KP.Kim Sơn cho biết, do ảnh hưởng của bão nên trên địa bàn tỉnh diễn ra mưa, lạnh kéo dài gần 20 ngày. Năm ngoái, trước Tết khoảng 3 tuần, hoa cúc đã lên nụ đều, to nhưng năm nay nhiều nụ còn rất nhỏ, nguy cơ không nở kịp vào dịp Tết.
Không riêng hoa cúc, 2 tuần qua, tình trạng mưa trái mùa, kèm theo không khí lạnh khiến mai có hiện tượng nở sớm. Một số vườn mai bị vàng lá, rụng nụ, trổ không đều… Ông Vũ Văn Thịnh, phường Long Tâm, TP. Bà Rịa cho biết, do mưa trái mùa, nhiều gốc mai ghép đã bung nụ nở sớm dù chưa đến thời điểm lặt lá. “Thời tiết khắc nghiệt quá, đã đầu tháng 1 nhưng trời vẫn còn lạnh và mưa. Cứ tình trạng này, nhà vườn chưa biết ngày nào xuống lá mai”, ông Thịnh nói.
Tương tự, vườn mai hơn 1 ngàn gốc của ông Huỳnh Ngọc Hải, ở TT.Long Hải, huyện Long Đất cũng đang có hiện tượng vàng lá. Ông Hải cho biết, ông đã gắn bó với nghề trồng mai hơn 30 năm nhưng chưa có năm nào thời tiết lại bất lợi như thế này. Mưa trái mùa khiến cây mai bị vàng lá, khi nắng lên sẽ rụng và bung nụ nở sớm, ảnh hưởng đến thu nhập của nhà vườn trồng mai.
Tăng cường biện pháp kỹ thuật
Trước tình hình thời tiết bất lợi, bà con nông dân đã và đang tìm mọi cách để khắc phục để hoa kịp nở vào đúng dịp Tết. Ông Vũ Văn Thịnh cho biết, theo kinh nghiệm trồng mai hơn 20 năm, trước tình hình thời tiết bất lợi này, người trồng cần tưới nhiều nước cho cây mai mỗi ngày để kìm hãm việc mai nở sớm. Bên cạnh đó, dựa vào việc quan sát búp nụ trên cành sẽ quyết định ngày lặt lá mai đúng Rằm tháng Chạp hoặc trễ hơn vài ngày và tập trung chăm sóc.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp hoa Kim Dinh, TP. Bà Rịa, phường Kim Dinh có khoảng 8ha/40 hộ trồng hoa Tết, giảm 12ha. Thời điểm này, cây đang trong giai đoạn nuôi nụ. Do thời tiết bất lợi nên nụ ra không tập trung, bị non nụ và thời gian làm bông bị kéo dài. “Trước tình trạng này, tùy theo tình hình thực tế, người trồng hoa có thể bón tăng lượng kali để cứng cây và tập trung dưỡng chất vào nụ, siết nước...”, ông Long khuyến cáo.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU