Ông Nguyễn Văn Hùng, hội viên nông dân thôn Thành Long, TT.Kim Long (huyện Châu Đức) đã thành công với mô hình nuôi lươn thương phẩm, cho lợi nhuận hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Những ngày đầu năm 2025, ông Hùng đang tất bật chuẩn bị thu hoạch khoảng 4 tấn lươn thương phẩm. Theo ông Hùng, huyện Châu Đức có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản, trong đó có mô hình nuôi lươn nhờ nguồn nước dồi dào từ các ao hồ. Đây cũng là đặc sản được thị trường rất ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao và thịt thơm ngon.
Với 20 bể nuôi (6m2/bể), trại lươn nằm khuất trong vườn tiêu, cà phê. Tại mỗi bể nuôi, ông Hùng đều bố trí 2 ống cấp và thoát nước nằm đối diện ở 2 góc bể, ống cấp nước được thiết kế nhiều lỗ nhỏ dạng vòi sen nhằm cung cấp oxy cho bể nuôi trong quá trình thay nước. Nước thải thức ăn thừa tại các bể nuôi lươn được xả ra ao nuôi cá và tưới cây trồng, vừa giảm được chi phí mua phân bón cho tiêu, cà phê, vừa có thêm thu nhập từ nuôi cá trê, cá lóc.
“Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu từ các phương tiện truyền thông, internet, năm 2019, tôi cải tạo lại chuồng trại chăn nuôi heo (đã dừng chăn nuôi do dịch bệnh), đầu tư phát triển mô hình nuôi lươn không bùn trong các bể xi măng. Kể từ đó, mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng từ nuôi lươn, chưa tính tới việc thu nhập từ cà phê và tiêu trong vườn”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho hay, việc nuôi lươn không khó, trong bể nuôi cần thả dây ni lông làm nơi trú ẩn cho lươn nằm, hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào bể nuôi. Bên cạnh đó, vì lươn rất mẫn cảm với môi trường sống, nên đòi hỏi phải thay nước trong bể nuôi mỗi ngày, sau khi lươn ăn 2 - 3 giờ để giữ cho bể nuôi lươn luôn sạch.
Trung bình sau từ 6 - 8 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng khoảng từ 3 - 4 con/kg là có thể xuất bán. Hiện nay, lươn thương phẩm được thương lái trên TP.Hồ Chí Minh xuống thu mua với giá 120 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 30 ngàn đồng so với đầu năm 2024. Mỗi năm, gia đình ông Hùng xuất bán 8 tấn lươn thương phẩm, sau khi trừ các khoảng chi phí, ông thu lợi nhuận khoảng 45% so với tổng doanh thu.
Theo ông Huỳnh Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND TT.Kim Long, mô hình nuôi lươn không bùn đang được nông dân đưa vào thực hiện và thu hoạch bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao.
Để liên kết 15 hộ nuôi lươn trên địa bàn, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Hội làm vườn vận động, hỗ trợ thành lập HTX nuôi lươn Châu Đức, với quy mô hơn 700 hồ nuôi/689 ngàn con lươn lớn nhỏ. Hiện HTX đã có thêm các sản phẩm mới như lươn chà bông, lươn sấy khô, lươn cuộn thịt, lươn tách xương tươi; trong đó 2 sản phẩm lươn chà bông và lươn sấy khô đã đạt OCOP 3 sao. Lươn thương phẩm của thành viên HTX được các DN thu mua; lươn giống thì cung cấp cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
“Hiệu quả từ mô hình nuôi lươn, ông Nguyễn Văn Hùng đã được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2024. Đây là tấm gương sản xuất giỏi đáng được phát huy để mọi người học tập và noi theo”, ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức nhận xét.
ĐINH HÙNG-THANH NHÀN