Những năm qua, công tác quy hoạch đã góp phần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn tỉnh là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển, hướng tới phát triển bền vững.
Đến nay, các đô thị của tỉnh đã phủ kín quy hoạch, đáp ứng được công tác quản lý cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Một góc đô thị Bà Rịa nhìn từ trên cao. |
Từng bước phủ kín quy hoạch 1/500
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương đi đầu trong công tác quy hoạch. Đến nay, hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt; đã lập mới hoặc điều chỉnh đồ án quy hoạch đô thị và cơ bản đã phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng đô thị quan trọng như KCN, khu du lịch, khu trung tâm đô thị, khu dân dụng... đáp ứng không gian phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Các khu chức năng chính trong đô thị đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, đồng thời từng bước phủ kín quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, làm cơ sở quản lý đô thị theo quy hoạch. Toàn tỉnh hiện có 1 đồ án quy hoạch vùng cấp tỉnh; 2 quy hoạch vùng cấp huyện; 11 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị; 59 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; 100% các xã nông thôn mới đã hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Nội dung các đồ án quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư xây dựng đều được quan tâm ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong các giải pháp xây dựng, phân khu chức năng, giải pháp hạ tầng kỹ thuật theo công nghệ mới an toàn, kinh tế và hiệu quả, chống chịu biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhằm phát triển bền vững gắn liền với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong năm 2024, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045. Ngoài ra, Sở cũng tham mưu UBND tỉnh phê duyệt: Quy hoạch chung TX. Phú Mỹ; quy hoạch chung đô thị mới Hòa Bình; quy hoạch chung Đô thị mới Hồ Tràm; điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Núi Lớn- Núi Nhỏ (TP.Vũng Tàu); điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Nam Vũng Tàu…
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã làm việc với các địa phương để hướng dẫn hoàn thiện công tác rà soát các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị sau khi Quy hoạch tỉnh được duyệt; thường xuyên hướng dẫn các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan liên quan lập quy hoạch chi tiết 1/500, quy hoạch chi tiết rút gọn và tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh công tác lập quy chế quản lý kiến trúc, tiến độ lập, hoàn thiện, trình phê duyệt quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh...
Nâng cao chất lượng quy hoạch
Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh, hệ thống đô thị tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã được quy hoạch, phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch Kiến trúc Sở Xây dựng cho biết, thời gian tới, Sở đề xuất UBND cấp huyện và cơ quan được giao chủ động hơn nữa trong công tác tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn; bám sát quy định pháp luật; trình cấp có thẩm quyền ban hành danh mục dự án quy hoạch và kế hoạch kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách hàng năm theo đúng quy định; lập sơ đồ Gantt cụ thể cho từng dự án quy hoạch để kiểm soát tiến độ.
Đồng thời, nội dung quy hoạch phải bảo đảm tính định hướng cao trong chiến lược xây dựng và phát triển đô thị bền vững; bảo đảm có sự khớp nối, thống nhất về nội dung định hướng giữa các quy hoạch và phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt và có tính khả thi cao. Đồ án phải được lập trên cơ sở khảo sát đầy đủ hiện trạng, đánh giá đúng quá trình triển khai quy hoạch được duyệt trước đây; đánh giá kỹ tác động môi trường cho tất cả các quy hoạch lớn để đảm bảo quy hoạch không gây hại cho môi trường tự nhiên và cộng đồng dân cư địa phương.
Ngoài các giải pháp trên, Sở Xây dựng cũng đã đưa ra các nhóm giải pháp khác như: Ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) vào công tác quy hoạch; lựa chọn đơn vị tư vấn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của quy hoạch; kiểm tra kỹ quá trình thẩm định...
Bài, ảnh: QUANG VŨ