.

Cảng biển cần điều chỉnh để dễ đón tàu lớn

Cập nhật: 18:06, 02/01/2025 (GMT+7)

Sau khi luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải được nâng cấp, sản lượng hàng hóa khu vực tăng mạnh, đặc biệt là với tàu lớn. Tuy nhiên, việc tiếp nhận tàu trọng tải lớn vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Việc nâng năng lực hạ tầng luồng hàng hải giúp cảng biển Cái Mép đón đượcnhiều tàu lớn, tăng sản lượng hàng qua cảng.
Việc nâng năng lực hạ tầng luồng hàng hải giúp cảng biển Cái Mép đón đượcnhiều tàu lớn, tăng sản lượng hàng qua cảng.

Nâng cao khả năng tiếp nhận tàu lớn tại cảng Cái Mép

Cuối tháng 9/2024, cảng Sài Gòn - SSA (SSIT) tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón tàu MSC Rifaya, với trọng tải lên tới hơn 200.000 DWT, là tàu lớn nhất từ trước tới nay cập cảng này. Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc SSIT, cho biết việc nâng cấp luồng hàng hải Cái Mép, đặc biệt là việc nạo vét luồng tới độ sâu -15,5m, đã giúp cho việc đón các tàu lớn trở nên thuận tiện hơn, thời gian chờ đợi đã được rút ngắn đáng kể, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, tăng hiệu quả công việc. Hệ số sử dụng cầu bến cũng tăng lên, đồng thời sản lượng hàng hóa qua cảng SSIT trong năm tăng trưởng 19% so với năm ngoái.

Sự phát triển của khu vực CM-TV không chỉ dừng lại ở việc nâng cấp luồng hàng hải mà còn liên quan đến xu hướng tàu có trọng tải lớn ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, lượng tàu container có trọng tải lớn ra vào khu vực Cái Mép - Thị Vải cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Số lượt tàu container có trọng tải từ 80-232 ngàn tấn vào, rời cảng tăng 9% so với năm trước, đạt 1.857 lượt; trung bình hơn 6 lượt tàu mỗi ngày. Đặc biệt, những siêu tàu container lên đến 232 ngàn tấn cũng đã đến khai thác chuyên tuyến tại cụm cảng.

 Ông Cao Hồng Phong, Phó Tổng Giám đốc cảng Gemalink chia sẻ, việc nâng cấp luồng hàng hải CM-TV là bước đi quan trọng giúp cảng tiếp cận các tàu trọng tải lớn. Đối với cảng Gemalink, việc nâng cấp này không chỉ giúp cải thiện khả năng tiếp nhận tàu lớn mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sản lượng hàng hóa, mở rộng dịch vụ và thu hút thêm nhiều tuyến vận tải quốc tế.

Vận chuyển hàng hóa ở cảng TCIT.
Vận chuyển hàng hóa ở cảng TCIT.

Thách thức đón tàu siêu lớn  

Tuy nhiên, với sự gia tăng của các siêu tàu, vấn đề tiếp nhận tàu lớn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao khả năng tiếp nhận tàu lớn, cần phải xem xét điều chỉnh quy hoạch cảng biển Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Phạm Quốc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, cho rằng quy hoạch cảng biển hiện nay chưa phù hợp với thực tế. Mặc dù cụm cảng CM-TV có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải trên 160.000 tấn, nhưng quy hoạch vẫn giới hạn tiếp nhận tàu đến 24.000 TEU. Điều này khiến các doanh nghiệp phải làm thủ tục xin nâng cấp hoặc điều chỉnh quy hoạch mỗi khi đón tàu lớn.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, một số đoạn trên luồng CM-TV có các khúc cua với bán kính cong nhỏ, gây khó khăn trong việc điều động tàu lớn. Ngoài ra, một số bến cảng trên sông có tuyến mép bến nông, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận tàu lớn. Để giải quyết vấn đề này, Cục đề xuất tiếp tục cải tạo, nâng cấp các tuyến luồng, đặc biệt là luồng Vũng Tàu - Thị Vải từ phao số "0" vào khu vực bến cảng Cái Mép. Đồng thời, nghiên cứu phát triển tuyến luồng Vũng Tàu - Thị Vải thành hai làn, tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 250 ngàn tấn hoặc 24 ngàn TEU, phù hợp với sự phát triển của các bến cảng phía hạ lưu.

Ông Lễ Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Cục đã đề xuất Đề án nghiên cứu nhằm nâng cao khả năng khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, trong đó có cảng CM-TV. Đề án này nhằm cải thiện năng lực tiếp nhận tàu lớn, đồng thời giải quyết những khó khăn trong việc đón tàu biển trọng tải lớn.

“Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện các quy hoạch, bảo đảm khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của cảng biển Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế”, ông Lễ Đỗ Mười thông tin thêm.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.