Đột phá hạ tầng giao thông
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được đầu tư đồng bộ, dần hoàn thiện, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Lắp dựng đà giáo thi công khối dầm K0 trên trụ T39 dự án cầu Phước An. |
Nhộn nhịp các công trình trọng điểm
Cuối năm, không khí thi công tại các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Những dự án quan trọng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An và các tuyến đường kết nối KCN, cảng biển đang được hối hả thi công, trong đó nhiều công trình đạt và vượt tiến độ, tạo kỳ vọng lớn về sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Đây là những công trình hạ tầng chiến lược, mang tính đòn bẩy cho phát triển.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài 19,5km là dự án trọng điểm. Dự án được triển khai với tiến độ thần tốc, đã hoàn thành 16km và hơn 61% tổng khối lượng công việc, dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào tháng 4/2025, sớm hơn 8 tháng so với kế hoạch. Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình này không chỉ giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu mà còn tạo ra kết nối thuận tiện giữa Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh lân cận, đặc biệt là TP.Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư vào các KCN, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa và phát triển dịch vụ logistics.
Cùng với đó, dự án cầu Phước An đã hoàn thành hơn 55% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch. Cây cầu này sẽ tạo sự kết nối hiệu quả giữa các khu công nghiệp và cảng biển trong tỉnh với các tỉnh, thành lân cận, giảm ùn tắc giao thông, góp phần giảm chi phí vận tải và nâng cao hiệu quả logistics. Các dự án khác như đường 991B từ QL51 đến cảng Cái Mép cũng đang về đích, với hơn 90% hạng mục chính đã hoàn thành.
Động lực phát triển kinh tế bền vững
Cảng Cái Mép-Thị Vải, một trong những cảng lớn nhất Đông Nam Á, đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Trần Chí Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng khi cảng này được kết nối với các tuyến giao thông như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường 991 và cầu Phước An, sẽ không chỉ tăng cường khả năng xuất nhập khẩu hàng hóa mà còn thúc đẩy thương mại và dịch vụ trong khu vực. Điều này sẽ giúp Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.
Tại hội nghị liên kết vùng Đông Nam Bộ diễn ra đầu tháng 12 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đã nhấn mạnh vai trò của cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trong việc kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc và quốc lộ quốc gia. Dự án sẽ thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch và logistics, giúp tỉnh thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương. Để tối ưu hóa hiệu quả kết nối, tỉnh đã triển khai 3 tuyến giao thông nối cao tốc với các địa phương ven biển, phục vụ phát triển du lịch và đô thị.
Ngoài các dự án giao thông trọng điểm, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông đường bộ nội tỉnh, với tổng chiều dài 5.208km, trong đó 3.531km đã được nhựa hóa. Hệ thống giao thông gồm các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ kết nối rộng khắp, thúc đẩy phát triển các KCN, du lịch và đô thị. Giao thông nông thôn được mở rộng, giúp việc đi lại, sản xuất nông nghiệp của nông dân được thuận lợi.
|
Một dự án quan trọng khác là cầu Phước An, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, sẽ kết nối cảng Cái Mép- Thị Vải với cao tốc Bến Lức-Long Thành. Dự án không chỉ thúc đẩy giao thương giữa các vùng kinh tế mà còn mở rộng cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp và logistics. Bên cạnh đó, tuyến Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh kết nối cảng Cái Mép, sân bay Long Thành và các tỉnh Đông Nam Bộ khi được xây dựng, đưa vào hoạt động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế liên vùng.
Trong năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, với mục tiêu tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững. Các dự án này là một phần trong chiến lược của tỉnh, hướng tới hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ và các quốc gia trong khu vực.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN