Hút "đại bàng" đến đầu tư
Năm 2024, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài khi thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI. Dòng vốn chất lượng cao tiếp tục “đổ” vào cho thấy hiệu quả của nỗ lực xây dựng hạ tầng xanh, hiện đại, môi trường đầu tư thân thiện của tỉnh.
Dự án nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE (Trung Quốc) đã thành hình và dự kiến đi vào hoạt động sớm hơn kế hoạch đề ra. |
Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư
Chỉ sau khoảng thời gian ngắn khởi công, Công ty TNHH Công nghệ điện tử- nghe nhìn BOE Việt Nam (Tập đoàn BOE, Trung Quốc) đã tổ chức lễ cất nóc dự án nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh giai đoạn 2 với số vốn đầu tư 275 triệu USD.
Ông He Hongbing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử - nghe nhìn BOE Việt Nam cho biết, là nhà cung cấp công nghệ, sản phẩm và dịch vụ Internet vạn vật hàng đầu thế giới, BOE chọn Việt Nam làm địa điểm triển khai chiến lược phát triển đầu tiên tại nước ngoài. Trong đó, nhà máy đầu tiên theo chiến lược “Màn hình kết nối vạn vật” được đặt tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Từ khi được cấp phép đầu tư đầu năm 2024, DN đã nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, chủ đầu tư hạ tầng và các đối tác, nhờ đó, nhà máy có thể đưa vào hoạt động trong năm 2025, nhanh hơn so với kế hoạch đề ra. Đây là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong hành trình xây dựng và mở rộng của BOE tại thị trường Việt Nam”, ông He Hongbing thông tin thêm.
Sản xuất thiết bị đầu cuối, điện tử thông minh và bán dẫn là một trong những lĩnh vực thu hút các dự án nổi bật trong năm 2024. Tại KCN Sonadezi (huyện Châu Đức), Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (Tập đoàn Tripob, Đài Loan) đang triển khai nhà máy trị giá 250 triệu USD trên diện tích 18ha.
Đây là tập đoàn nằm trong top 10 thế giới về sản xuất bo mạch điện tử với doanh thu hàng tỷ USD/năm. Dự án tại Châu Đức nằm trong kế hoạch mở rộng và phát triển ngành điện tử công nghệ cao trên toàn thế giới của DN đa quốc gia này. Đi vào hoạt động, nhà máy sản xuất các loại mạch và bảng mạch điện tử với công suất 372 ngàn m2, tương đương 1.800 tấn sản phẩm/năm, tạo việc làm cho hơn 1.700 lao động tay nghề cao trên địa bàn. Vừa qua, Tập đoàn Tripob đã cho biết kế hoạch mở rộng dự án bo mạch tại KCN Sonadezi lên tới quy mô 100ha, qua đó, kéo theo nhiều DN khác trong chuỗi cung ứng đến Châu Đức nói riêng, Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung để đầu tư.
Dự án có vốn đầu tư lớn nhất vào Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2024 là nhà máy sợi sinh học BDO của Tập đoàn Hyosung, Hàn Quốc với số vốn 730 triệu USD tại KCN Phú Mỹ 2. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất BDO từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại. Đường thô thay thế hoàn toàn nguyên liệu truyền thống như than đá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tháng 11/2024, đại diện Tập đoàn Hyosung cho biết, việc liên tiếp đầu tư các dự án hóa chất với số vốn hàng trăm triệu USD, sử dụng công nghệ hiện đại cho thấy nỗ lực của DN trong việc đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh, với mục tiêu đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm công nghệ sinh học tiên tiến của Việt Nam và khu vực.
Kiên định thu hút đầu tư có chọn lọc
Một điểm có thể nhận thấy là trong số các dự án đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2024 có nhiều DN quốc tế là “đại bàng” trong lĩnh vực của mình. Điều này cho thấy, tỉnh có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư đẳng cấp, có tiềm lực, mang đến dòng vốn chất lượng cao.
Với những lợi thế sẵn có về tự nhiên, xã hội, tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt đầu tư hệ thống giao thông kết nối vùng như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận, đường kết nối với hệ thống cảng biển… để tạo sự kết nối trong tỉnh và khu vực, làm tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các DN cả trong và ngoài nước, tạo môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch để thu hút dòng vốn chất lượng cao.
(Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)
|
Cụ thể hơn, theo báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của UBND tỉnh, trong năm 2024, Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI, nằm trong top đầu cả nước. Tại Kỳ họp lần thứ 22, HĐND tỉnh khóa VII vừa qua, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân tích, thông số đặc biệt của tỉnh so với nhiều địa phương có thế mạnh thu hút FDI khác là tỷ suất số vốn/dự án cao, đứng đầu cả nước.
Cụ thể, tại Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có gần 500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,3 tỷ USD. Như vậy, trung bình 1 dự án có số vốn 68 triệu USD. Điều này cho thấy trong nhiều năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu luôn kiên định và thực hiện hiệu quả mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc.
Bài, ảnh: QUANG VINH