Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa ông, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã tác động như thế nào từ nhận thức đến hành động của DN và người tiêu dùng trong tỉnh?
- Ông Lê Hồng Ngọc: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm chuyển biến tư duy và trách nhiệm của các DN, doanh nhân trong sản xuất hàng hóa phục vụ sản xuất tiêu dùng có chất lượng tốt, mẫu mã hợp thị hiếu, giá thành hợp lý, tăng cường chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước đáp ứng yêu cầu Nhân dân. Ngày càng có nhiều hơn các DN quan tâm đến xây dựng thương hiệu, chú trọng đến việc đưa hàng nội về nông thôn, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng và có những giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng, uy tín của hàng Việt, đồng thời chú trọng việc khai thác hiệu quả hơn thị trường nội địa.
Việc tham gia hưởng ứng tích cực đến từ đông đảo các tầng lớp Nhân dân đã tạo ra động lực lớn cho sản xuất trong nước, góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam ngày một uy tín, qua đó góp phần giúp phát triển kinh tế địa phương, tạo ra nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống cho cộng đồng.
*Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024?
- Ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã xây dựng kế hoạch số 782/KH-BCĐ triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, DN, người sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa cuộc vận động; tổ chức các hoạt động như tổ chức hội chợ, triển lãm sản phẩm Việt và hỗ trợ DN trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm…
Sản phẩm bánh kẹo thương hiệu Việt bày bán trong siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu |
Theo thống kê có 80 - 90% sản phẩm hàng hóa Việt đang được bày bán tại hệ thống phân phối hiện đại, và chiếm 60 - 70% tại kênh phân phối truyền thống. Trong khi ở giai đoạn đầu của Cuộc vận động, hàng Việt chỉ chiếm 20% trên các kệ siêu thị.
Chúng tôi tiếp tục tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện Cuộc vận động theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; liên kết các nhà sản xuất trong nước, trong tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ; cam kết thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhằm phát triển sản xuất tại địa phương.
*Để thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt, tỉnh đã có chính sách gì, thưa ông?
- Tỉnh đã triển khai các chính sách nhằm tăng cường hỗ trợ DN tiếp cận vốn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung tuyên truyền cho các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh; ngoài vận động hộ gia đình đăng ký hưởng ứng cuộc vận động, chúng tôi cũng lồng ghép các các thông tin về cuộc vận động với các buổi giao ban, họp tổ dân cư, họp chi bộ, và các buổi sinh hoạt chuyên đề để lan toả chương trình đến với mọi tầng lớp Nhân dân.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng, DN thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ Nhân dân. Đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về giá cả hàng hóa, phòng chống hàng gian, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, giả nhãn mác, bao bì, kiên quyết xử lý nghiêm và có chế tài thật năng đối với các tổ chức, cá nhân, DN làm ra những sản phẩm kém chất lượng, không để những sản phẩm này lưu hành trên thị trường. Đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát phòng chống buôn lậu, hàng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
NGUYỄN NAM
(Thực hiện)