Dự án hóa dầu Long Sơn vận hành thương mại: Kỳ 1: Sức lan tỏa từ tổ hợp hóa dầu

Thứ Ba, 29/10/2024, 17:49 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tháng 9 vừa qua, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) đã chính thức được đưa vào vận hành thương mại. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 5 tỷ USD, tạo sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn và các ngành dịch vụ khác.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội (thứ 3 từ phải qua) giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, tháng 7/2023.
Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội (thứ 3 từ phải qua) giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại dự án Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, tháng 7/2023.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nhà máy sản xuất của Tổ hợp hóa dầu Long Sơn có gần 1.000 kỹ sư, lao động chất lượng cao, trong đó có đến 80% người Việt đang làm việc. Hàng tấn hạt nhựa trắng tinh cũng đã “ra lò”.

Ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), đơn vị chủ đầu tư dự án chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào khi phát đi thông báo tổ hợp đã chính thức vận hành thương mại. Chúng tôi tin rằng hoạt động của dự án sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp hóa dầu và nhựa tại Việt Nam”.

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn bao gồm nhà máy thượng nguồn olefin; 3 nhà máy hạ nguồn polyolefin (HDPE, LLDPE và PP) và các hạ tầng liên quan như cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm.

LSP có tổng công suất thiết kế 1,4 triệu tấn hạt nhựa olefin/năm, sản xuất nhiều sản phẩm hóa dầu đa dạng, bao gồm các chất liệu nhựa thiết yếu như polyethylene mật độ cao (HDPE), polyethylene mật độ thấp tuyến tính (LLDPE) và polypropylene (PP). Các loại hạt nhựa do LSP sản xuất là nguyên liệu cơ bản để sản xuất nhiều vật dụng thiết yếu, từ bao bì, thiết bị điện, đồ gia dụng đến ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, phụ tùng ô tô và nhiều lĩnh vực khác.

Việt Nam hiện đang nhập khẩu khoảng 2,85 triệu tấn nguyên liệu polyolefin (hạt nhựa) mỗi năm. Khi nhà máy của LSP đi vào vận hành thương mại, sản lượng 1,4 triệu tấn/năm sẽ giúp giảm nhập khẩu nguyên liệu, củng cố khả năng tự cung trong nước và thúc đẩy sự phát triển đa dạng của nền kinh tế. Ngoài ra, nhà máy olefin của LSP - nhà máy olefin đầu tiên tại Việt Nam, sẽ sản xuất 1,35 triệu tấn sản phẩm olefin mỗi năm. Đây là nguyên liệu thô cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm polyolefin.

Khi hoạt động ở công suất tối đa, mỗi năm Tổ hợp LSP dự kiến đạt doanh thu 1,5 tỷ USD, đóng góp khoảng 150 triệu USD cho ngân sách Nhà nước. Quan trọng hơn, khi đưa vào khai thác, tổ hợp hóa dầu tích hợp này sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn và các ngành dịch vụ khác của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, Công ty SCG Chemicals (SCGC) - công ty mẹ của LSP đã ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp tại khu vực Trung Đông trong 15 năm để đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho các công ty thành viên (trong đó có LSP) vận hành đúng kế hoạch sản xuất.

Toàn cảnh Tổ hợp hóa dầu Long Sơn.
Toàn cảnh Tổ hợp hóa dầu Long Sơn.

Muốn trở thành công dân tốt 

Thông tin từ Sở KH-ĐT cho hay, tính đến thời điểm này, LSP vẫn là một trong những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam và DN dẫn đầu vốn FDI tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Để có được tổ hợp hóa dầu quy mô như ngày hôm nay, LSP trải qua nhiều biến động về cổ đông. Được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2008, ban đầu, dự án có nhiều cổ đông góp vốn, theo thời gian đã có những thay đổi. Đến tháng 6/2018, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn đã trở thành dự án 100% vốn đầu tư của DN Thái Lan, sau khi Tập đoàn SCG ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Petrovietnam. Tổng mức đầu tư của dự án được tăng lên hơn 5 tỷ USD, thay vì 3,7 tỷ USD ban đầu.

Trước khi mua lại cổ phần của Petrovietnam, tháng 2/2018, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn đã được khởi công xây dựng. Lãnh đạo LSP chia sẻ: “Chúng tôi rất cảm ơn sự hỗ trợ của chính quyền địa phương dành cho SCG và dự án. Trong quá trình triển khai, dù có nhiều sự thay đổi về các văn bản pháp luật liên quan nhưng các sở, ban, ngành vẫn luôn đồng hành và hướng dẫn cách thức thực hiện chi tiết, tổ chức tham vấn cộng đồng, góp phần đôn đốc giúp cho dự án nhận được sự phê duyệt từ cấp Trung ương đến địa phương”.

Ngay khi được triển khai dự án, LSP đã tâm nguyện muốn trở thành một công dân tốt. LSP đã triển khai hàng loạt hoạt động hướng về cộng đồng như: hướng nghiệp cho người dân Long Sơn, hướng dẫn cộng đồng tham gia phân loại rác tại nguồn, trồng cây vì môi trường xanh, sạch, đẹp; cùng các đơn vị tham gia khám chữa bệnh cho người dân, tặng học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn… 

Người lao động làm việc trong nhà máy Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn.
Người lao động làm việc trong nhà máy Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn.

Bài, ảnh: HÀ ĐĂNG
(Còn nữa)

;
.