Chợ truyền thống khó khăn trong thời đại số
Sự xuất hiện của các nền tảng mua sắm trực tuyến và sự mở rộng của các hệ thống siêu thị đã khiến lượng khách đến chợ Vũng Tàu ngày càng giảm sút.
Hàng loạt sạp tại chợ Vũng Tàu đóng cửa, không có người hỏi thuê. |
Thực trạng đáng báo động
Dẫn phóng viên đi thực tế tại chợ Vũng Tàu, khu chợ truyền thống lớn nhất trên địa bàn TP.Vũng Tàu, ông Hoàng Văn An, Phó Trưởng Ban quản lý chợ cho biết: “Đang có sự thay đổi rất lớn trong hành vi mua sắm của người dân. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, ưa chuộng sự tiện lợi của mua sắm online hoặc đến các siêu thị. Điều này đã tạo ra áp lực lớn đối với các tiểu thương tại chợ”.
Minh chứng cho nhận định trên, ông Hoàng Văn An chỉ ra hàng loạt sạp hàng tại chợ Vũng Tàu đang đóng cửa, treo bảng cho thuê. Theo số liệu thống kê từ Ban Quản lý chợ Vũng Tàu, trước đây chợ có 950 hộ kinh doanh thuê 1.765 quầy, nhưng tới thời điểm hiện tại cả số quầy và số hộ cho thuê đều giảm nghiêm trọng. Cụ thể, hiện chỉ còn khoảng 500 hộ đang thuê khoảng 1.000 quầy.
Tình trạng sụt giảm khách hàng tại các chợ truyền thống có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, sự bùng nổ của các ứng dụng mua sắm online đã tạo ra kênh mua sắm mới, tiện lợi và đa dạng hơn. Thứ hai, các siêu thị lớn và hệ thống siêu thị mini ngày càng mở rộng, cung cấp môi trường mua sắm hiện đại, sạch sẽ và nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Bà Lê Thị Tuyết, một tiểu thương bán rau củ tại chợ Vũng Tàu 20 năm qua bày tỏ lo lắng: “Ngày xưa, từ sáng sớm chợ đã đông nghịt người, nhưng giờ thì khác rồi, có hôm cả buổi sáng chỉ bán được vài ký rau. Nhiều khách quen giờ cũng chuyển sang đặt hàng online vì thuận tiện hơn, không phải đi chợ”.
Bà Tuyết cho biết thêm, thu nhập của gian hàng nhà bà giảm gần một nửa so với 5 năm trước. Thậm chí, có những hôm bán không hết, rau củ hư hỏng nên lỗ vốn. Bà Tuyết đang cân nhắc chuyển nghề, nhưng lại băn khoăn vì chưa biết làm gì. Không chỉ riêng bà Tuyết, nhiều tiểu thương khác tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng đối mặt với tình cảnh tương tự.
Theo thống kê của ngành quản lý, trong 5 năm gần đây, lượng khách đến các chợ truyền thống đã giảm trung bình 30%. Riêng tại chợ Vũng Tàu, một trong những chợ lớn nhất tỉnh, con số này lên đến 40%; có đến 70% tiểu thương tại chợ Vũng Tàu cho biết doanh thu của họ đã giảm từ 30-50% trong 3 năm qua.
Áp dụng công nghệ
Trước thực trạng này, nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống đã cố gắng thích nghi, thay đổi thói quen bán hàng bằng cách áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh. Một số đã nhận đơn hàng qua điện thoại hoặc các ứng dụng nhắn tin, thậm chí tạo các trang bán hàng trên mạng xã hội.
Dù vậy, việc chuyển đổi số đối với các tiểu thương vẫn còn nhiều rào cản. Thiếu kiến thức công nghệ, khó khăn trong việc quản lý hàng online và cạnh tranh gay gắt trên các nền tảng số là những thách thức lớn mà họ phải đối mặt.
Bà Nguyễn Thị Hằng, một tiểu thương tại chợ Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi đã học cách sử dụng Facebook để đăng hình ảnh sản phẩm và nhận đơn hàng. Con gái tôi cũng giúp tạo trang Zalo để tiếp cận khách hàng trẻ hơn. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng với người lớn tuổi”.
Để hỗ trợ tiểu thương, Ban Quản lý chợ Vũng Tàu đã đề xuất một số giải pháp như tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng bán bàng online cho tiểu thương. Đồng thời, triển khai mô hình chợ 4.0. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đang xem xét việc hỗ trợ tiểu thương thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các khoản vay ưu đãi để đầu tư, nâng cấp cơ sở kinh doanh.
Bài, ảnh: NGUYỄN NAM