Cân nhắc khi mua sắm trên sàn Temu

Chủ Nhật, 27/10/2024, 16:14 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ mới du nhập vào Việt Nam không lâu, sàn thương mại điện tử Temu đã “làm mưa làm gió” trên thị trường mua sắm và “gây bão” mạng xã hội. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng tỏ ra không ít lo ngại về độ rủi ro đối với sàn thương mại điện tử xuyên biên giới này.

Người dùng tại Việt Nam đang bị cuốn hút bởi giá rẻ của sàn thương mại điện tử Temu.
Người dùng tại Việt Nam đang bị cuốn hút bởi giá rẻ của sàn thương mại điện tử Temu.

Giá rẻ sập sàn

Là khách hàng thường xuyên trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok shop, chị Nguyễn Thị Hồng Duyên (ngụ phường 10, TP.Vũng Tàu) cho biết, hầu như tất cả các mặt hàng từ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm kể cả đồ điện tử đều được chị mua trên các ứng dụng online vì giá rẻ, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, mới đây, sàn thương mại điện tử Temu du nhập vào Việt Nam khiến chị thấy “sốc” bởi giá trên sàn thương mại này còn rẻ hơn so với nơi khác.

Thử đặt một chiếc ghế bập bênh bằng gỗ, chị bất ngờ khi giá chỉ chưa đến 109 ngàn đồng, giảm hơn 76% (giá gốc 469 ngàn đồng) và được miễn phí ship, thời gian giao hàng từ 7-10 ngày. “Tôi chỉ mới đặt, chưa biết chất lượng ra sao nhưng thấy giá rẻ hơn so với mua tại cửa hàng hoặc một số sàn thương mại khác, đặc biệt là ngoài giá ra thì không phải chịu thêm phí ship”, chị Duyên chia sẻ.

Theo lý giải của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, sở dĩ hàng trên sàn Temu giá thấp là do Temu đã áp dụng một loại hình kinh doanh không giống với truyền thống, cũng rất khác với các sàn thương mại điện tử khác là mô hình M2C.

Một chiếc ghế bập bênh khung kim loại lót nệm được bán với giá rẻ đến khó tin.
Một chiếc ghế bập bênh khung kim loại lót nệm được bán với giá rẻ đến khó tin.

Hiểu nôm na, đây là mô hình kinh doanh loại bỏ khâu trung gian như nhà nhập khẩu và nhà phân phối, bán lẻ, quảng cáo. Hàng hóa đi thẳng từ các nhà sản xuất Trung Quốc đến tay người tiêu dùng nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ các khâu trung gian. Ngoài ra, một trong những lý do chính khiến Temu có thể đưa ra mức giá cực kỳ thấp là cách tiếp cận độc đáo nhằm trợ cấp chi phí vận chuyển. Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng của mình, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Điều này cho phép người mua được hưởng mức giá thấp mà không có phí ẩn, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Ngày 24/10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính cũng đã đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý hải quan với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, để có cơ chế tách bạch luồng hàng thông thường và online, tăng quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Temu đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên Internet và các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram tại Việt Nam. Người dùng Internet trong nước dễ dàng bắt gặp các quảng cáo của Temu với lời mời cài đặt ứng dụng để mua hàng giá rẻ. Khi truy cập vào sẽ được giới thiệu đi đến trang web chính thức hoặc cài đặt ứng dụng Temu với giao diện bằng tiếng Việt và mức giá được quy đổi sang Việt Nam đồng.

Không loại trừ rủi ro

Trên thực tế, việc mua hàng giá rẻ trên Temu cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Hiện tại, Temu chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng, nghĩa là người dùng phải thanh toán ngay khi đặt hàng, sau đó mới nhận sản phẩm. Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, chưa hỗ trợ các loại ví điện tử phổ biến khác.

Chính vì không cho phép thanh toán khi nhận hàng, người dùng sẽ phải đối mặt với rủi ro mua hàng, bên cạnh đó cũng không loại trừ khả năng hàng giả, hàng nhái “thâm nhập” vào Temu với nhiều mức giá khác nhau. Do vậy, người dùng có thể mua nhầm hàng giả, kém chất lượng mà không hay biết.

Dù cho Temu có các chính sách đổi, trả hàng, tuy nhiên, do đây là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới nên việc đổi trả và hoàn tiền cũng không hề dễ dàng bởi lượng khách lớn và các món hàng đôi khi trị giá cũng rất thấp. Do đó, người tiêu dùng Việt vẫn cần đề phòng các rủi ro để lựa chọn địa chỉ mua hàng tin cậy và mua sắm online một cách thông minh sau khi tìm hiểu kỹ, đánh giá ưu - nhược điểm của từng sàn giao dịch.

Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi Công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings (công ty mẹ của Pinduoduo, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc). Temu bán mọi thứ từ quần áo, đồ điện tử cho đến đồ nội thất, với giá cực rẻ, cùng câu khẩu hiệu quen thuộc “Mua sắm như tỷ phú”. 
Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á. Kể từ đó, ứng dụng Temu liên tục đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu về số lượt tải, với gần 152 triệu người Mỹ sử dụng mỗi tháng, hàng hóa được vận chuyển đến khoảng 50 quốc gia trên toàn thế giới, cho phép họ mua sản phẩm với mức giá thấp nhất.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III tại Bộ Công thương chiều 23/10, trả lời về những diễn biến mới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, trước sự đổ bộ của hàng loạt sàn bán lẻ Trung Quốc như Temu, Shein, Taobao…, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, người phát ngôn Bộ Công thương cho biết, theo Nghị định 85 của Chính phủ về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử muốn hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký theo quy định.

Về tác động từ các sàn thương mại điện tử đến thị trường và các sàn khác đang hoạt động tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ đang giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đánh giá các tác động. Khi có kết quả nghiên cứu đánh giá, Bộ Công thương sẽ đề ra giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động của sàn Temu.

Bài, ảnh: NGUYỄN NAM

;
.