An toàn dịch bệnh: Chìa khóa mở đường cho chăn nuôi bền vững

Thứ Tư, 30/10/2024, 17:53 [GMT+7]
In bài này
.

Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật được xem là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển chăn nuôi bền vững. 

Trang trại nuôi gà trong hệ thống phòng lạnh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát  (huyện Xuyên Mộc).
Trang trại nuôi gà trong hệ thống phòng lạnh của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Xuyên Mộc).

Chăn nuôi chuồng lạnh

Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (ở xã Suối Rao, huyện Châu Đức) đang nuôi gà trong chuồng lạnh trên diện tích gần 7.000m2, quy mô 4 trại nuôi với tổng đàn 80 ngàn con/lứa. Bình quân 1 năm, DN nuôi 3 lứa gà, sau khi trừ các chi phí thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu cho biết, trong chăn nuôi khâu quan trọng nhất là môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Do đó, với công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín, DN chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt thấp so với các mô hình chăn nuôi khác.

Mô hình chăn nuôi chuồng lạnh được nhiều trang trại áp dụng cho thấy mang lại hiệu quả cao trong kiểm soát ô nhiễm môi trường và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, an toàn cho vật nuôi. Ông Phạm Xuân Hùng (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) nuôi gia công cho Tập đoàn CJ Vina Agri của Hàn Quốc với quy mô 5.000 con cho biết, chuồng nuôi heo được xây dựng khép kín, hệ thống máy lạnh, quạt gió duy trì nhiệt độ ổn định ở mức 270C, hệ thống xử lý chất thải bảo đảm thu dọn sạch, khử mùi tốt. Với phương pháp chăn nuôi chuồng lạnh, heo phát triển tăng trọng nhanh, ít bệnh, tiết kiệm được chi phí thuốc men, thức ăn, nhân công do hệ thống cho ăn tự động. Nhờ đó, thời gian nuôi được rút ngắn, chất lượng của thịt heo đáp ứng nhu cầu thị trường nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lợi nhuận tăng lên khoảng 10% so với mô hình nuôi truyền thống.

“Trong quá trình nuôi, trang trại được cán bộ thú y địa phương hướng dẫn cách phòng, tránh dịch bệnh, tiêm vắc xin và ghi chép đầy đủ nhật ký chăn nuôi, thực hiện nghiêm vệ sinh chuồng trại, tuân thủ các quy định về vùng nuôi ATDB. Nhờ vậy đàn heo luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, không phát sinh dịch bệnh”, ông Phạm Xuân Hùng nói. 

Chăm sóc heo tại HTX Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc).
Chăm sóc heo tại HTX Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc).

Đẩy mạnh xây dựng các vùng ATDB

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 404 ngàn con heo, 6,8 triệu con gia cầm và hơn 155 ngàn con trâu, bò, dê… Thời gian qua, để triển khai xây dựng vùng, cơ sở ATDB, ngành chăn nuôi đã khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tính đến nay, Chi cục Chăn nuôi và thú y đã phối hợp với ban, ngành và UBND các địa phương, cơ sở, trang trại chăn nuôi xây dựng, duy trì được 8 vùng ATDB cấp huyện, 11/82 vùng ATDB cấp xã và 82 cơ sở ATDB. 

Bà Rịa-Vũng Tàu là 1 trong 7 địa phương thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà ATDB, an toàn thực phẩm để xuất khẩu giai đoạn năm 2023-2028 với Công ty TNHH De Heus. Theo thỏa thuận hợp tác, Công ty TNHH De Heus phối hợp với Cục Thú y, Sở NN-PTNT  xây dựng chuỗi cơ sở sản xuất thịt gà ATDB theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và an toàn thực phẩm. 

Ông Nguyễn Xuân Trung, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, ngoài các hoạt động trên, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, người chăn nuôi duy trì, xây dựng cơ sở, vùng ATDB theo hướng chuyên sâu, trọng điểm và theo đặc thù của từng địa phương. Trong đó, các địa phương tiếp tục duy trì và xây dựng vùng ATDB đối với các loại dịch bệnh có nguy cơ lây sang người như dại ở động vật, cúm gia cầm và các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật. Đối với các cơ sở ATDB, duy trì, xây dựng và hoàn thành 100% các trang trại chăn nuôi hoạt động trên địa bàn tỉnh được chứng nhận ATDB.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU-ĐỨC MINH

 
;
.