Nông dân "sống khỏe" nhờ mô hình sản xuất hiệu quả

Thứ Hai, 16/09/2024, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân xã Tân Hưng (TP.Bà Rịa) đã đạt được hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế địa phương.

Ông Cao Văn Thành, ấp Phước Tân 2, xã Tân Hưng “sống khỏe” nhờ mô hình nuôi chim cút.
Ông Cao Văn Thành, ấp Phước Tân 2, xã Tân Hưng “sống khỏe” nhờ mô hình nuôi chim cút.

Năm 2000, gia đình ông Cao Văn Thành, ngụ ấp Phước Tân 2, đã nhận được khoản vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Với số vốn này, ông Thành đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 2.000 con chim cút để nuôi lấy trứng. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, đàn chim cút sinh trưởng tốt và mang lại hiệu quả cao.

Theo ông Thành, việc nuôi chim cút quan trọng nhất là phòng bệnh. Ông đã đặc biệt chú trọng đến quy trình chăm sóc, đảm bảo chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ để ngăn ngừa các bệnh đường ruột. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm, sản lượng trứng không cao. Tuy nhiên, với tinh thần kiên trì học hỏi, ông dần nâng cao kiến thức và kỹ năng, giúp đàn chim khỏe mạnh hơn và cho trứng đều đặn.

Ngoài việc bán trứng, ông Thành còn đầu tư lò ấp để cung cấp trứng cút lộn và tự nhân giống, giảm chi phí mua giống. Sau 7-9 tháng, khi chim cút giảm năng suất trứng, ông bán chim làm thịt với giá 60.000 đồng/kg và thay đàn mới. Hiện tại, với hơn 6.000 con chim cút, gia đình ông thu hoạch hơn 5.000 quả trứng mỗi ngày, mang lại thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm.

Ông Thành chia sẻ: “Mô hình nuôi chim cút ổn định, khi có đơn đặt hàng, mình chỉ việc làm. Trứng lộn luôn có giá cố định, không phải lo biến động giá như trứng lạt. Trước kia, tôi làm công nhân, thu nhập không đủ để lo cho gia đình. Nhờ chuyển sang mô hình này, kinh tế gia đình đã cải thiện rất nhiều”.

Ông Hoàng Văn Tuyến, ấp Phước Tân 3 với mô hình trồng rau muống.
Ông Hoàng Văn Tuyến, ấp Phước Tân 3 với mô hình trồng rau muống.

Năm 2021, sau nhiều năm trồng rau màu không hiệu quả, ông Hoàng Văn Tuyến, ngụ ấp Phước Tân 3, quyết định chuyển sang trồng rau muống. Nhờ tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do xã tổ chức, ông đã nắm vững cách trồng và chăm sóc rau muống, giúp cây phát triển tốt và cho năng suất cao. Hiện gia đình ông Tuyến đang trồng hơn 3 sào rau muống, mang lại nguồn thu ổn định, giúp cải thiện đời sống.

Ông Tuyến chia sẻ: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn, tôi đã học được nhiều kỹ thuật từ cách phun thuốc, trồng trọt cho đến chăm sóc cây. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật đã giúp kinh tế gia đình phát triển bền vững”.

Theo lãnh đạo xã Tân Hưng, nhiều mô hình kinh tế tại địa phương đang mang lại thu nhập ổn định, không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của xã. Những mô hình này đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững và thúc đẩy kinh tế địa phương, nhất là trong việc xây dựng đô thị văn minh.

Trong 5 năm qua, Hội Nông dân xã Tân Hưng đã tạo điều kiện cho 372 hộ nông dân vay hơn 21 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, đồng thời giải ngân 13 dự án với số tiền 850 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ Hội Nông dân. Hội cũng phối hợp với Trung tâm Khoa học Công nghệ tỉnh tổ chức 43 lớp tập huấn cho hơn 1.237 nông dân và hỗ trợ vật tư, cây giống cho 17 hộ khó khăn.

Bài, ảnh: UYÊN NA

;
.