.

Nghề cá - Chuyển đổi để phát triển bền vững - Kỳ cuối: Chuyển hướng khai thác, phát triển nuôi trồng

Cập nhật: 18:19, 27/09/2024 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, yêu cầu cấp bách với ngành thủy sản là tăng cường quản lý và kiểm soát khai thác. Đồng thời, thay đổi nhận thức của ngư dân, tìm hướng chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Làng bè nuôi thủy sản ở sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu).
Làng bè nuôi thủy sản ở sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu).

Ngư dân lên bờ

Cách đây gần 10 năm, để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, UBND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền phối hợp với Hội Nông dân xã, các tổ chức đoàn thể thành lập các tổ, hội nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân chọn chuyển qua nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt hoặc nước mặn trong các ao, đầm, khu vực cửa biển.

Năm 2015, ông Nguyễn Văn Nhỏ, Bí thư Chi bộ ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh phối hợp Hội Nông dân xã vận động thành lập các tổ hội nghề nghiệp làm chả cá, chả mực nhằm thu mua hải sản cho ngư dân với giá tốt. Bản thân ông cũng thành lập tổ làm chả cá, chả mực Thu Trâm.

Ông Nhỏ cho biết, ấp Phước Hiệp có 4 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển với  20 tàu. Tổ thu mua cá, mực tươi của các thành viên trong tổ để làm chả mực, chả cá, nếu thiếu mới thu mua thêm ở ngoài ấp. Thành viên của tổ đều là người thân của các thuyền viên đánh bắt hải sản trên biển.

Thu hoạch cá bớp ở hộ ông Nguyễn Hoàng Thắng tại làng bè nuôi biển trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu).
Thu hoạch cá bớp ở hộ ông Nguyễn Hoàng Thắng tại làng bè nuôi biển trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu).

“Tổ vừa thu mua hải sản giá tốt, vừa giải quyết việc làm cho người thân thuyền viên, giúp gia đình tăng thêm thu nhập. Có thể nói là một công đôi việc”, ông Nguyễn Văn Nhỏ chia sẻ ý tưởng những ngày đầu thành lập. Hiện nay, các lao động trong tổ làm chả mực có thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Nhận thấy đây là hướng ra, năm 2018, ông Võ Văn Ê, ở ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh cũng lên bờ mở cơ sở kinh doanh hải sản Ê Nguyệt, chuyên thu mua, kinh doanh các sản phẩm mực khô, tôm khô. “Việc thành lập cơ sở kinh doanh hải sản để gia đình có thể chủ động hơn trong tiêu thụ hải sản cho ghe nhà và bà con ngư dân trong tổ đoàn kết của địa phương, không bị thương lái ép giá”, ông Ê chia sẻ.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Cẩn (TP.Vũng Tàu) đã bỏ nghề biển chuyển qua nuôi trồng thủy sản trên biển hơn 10 năm nay. Từ vài lồng bè ban đầu, đến nay ông đã phát triển lên 40 lồng trên tổng diện tích khoảng 2.000m2 mặt nước biển ở làng bè khu vực cầu Chà Và, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu.

Các loài cá chủ lực ông Cẩn đang nuôi là cá mú, cá bớp và cá chim. Tổng sản lượng cả khu lồng bè khoảng 30 tấn/năm, sau khi trừ chi phí (thức ăn, nhiên liệu, nhân công,…) ông Cẩn còn lời khoảng 300-400 triệu đồng/năm.

Gia đình làm nghề đi biển nhưng thấy hiệu quả ngày càng kém, năm 2021, ông Nguyễn Quý Trọng Bình (TP.Vũng Tàu) đã chuyển sang mô hình nuôi hàu, cá biển trên sông Chà Và (xã Long Sơn) với diện tích 1ha. Lợi nhuận hàng năm khoảng 700-800 triệu đồng.

Đến nay, ông Bình đã phát triển thành HTX Như Ý Long Sơn vào cuối năm 2022 với 7 thành viên. HTX đã mở rộng diện tích nuôi lên 5ha, sản lượng khoảng 900 tấn/năm và phát triển thành mô hình nuôi biển kết hợp du lịch sinh thái. HTX cũng mở rộng liên kết với 18 hộ nuôi lồng bè khác để bao tiêu hải sản cho bà con.

Nỗ lực chuyển đổi

Trên thực tế, dù đã nỗ lực chuyển đổi ngành nghề, nhưng các mô hình được ngư dân áp dụng nhìn chung vẫn nhỏ lẻ và thiếu liên kết. Phần lớn ngư dân vẫn mong chờ có chính sách tháo gỡ, phương án hỗ trợ để họ chuyển đổi ngành nghề.  

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, có số lượng lớn tàu khai thác hải sản. Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 4.345 tàu cá. Trong đó, nghề lưới kéo chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 30,6% tổng số lượng tàu; nghề lưới rê chiếm 26%; nghề câu 13,6%; nghề lưới vây, lồng bẫy và nghề hậu cần thủy sản cùng có tỷ lệ khoảng 5%, nghề chụp chiếm tỷ lệ 2%...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2030 có tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm. Tỉnh khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản, nuôi biển có tính giải trí, mỹ nghệ, trang sức theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu, giảm dần cường lực khai thác, bảo đảm phát triển nghề cá bền vững.

Cơ cấu tàu thuyền ở các nhóm nghề đang thể hiện sự mất cân đối. Nhóm nghề khai thác hải sản có tính chọn lọc cao, được khuyến khích phát triển như nghề câu, lưới vây, nghề chụp, lồng bẫy thì số lượng tàu rất ít. Trong khi đó, nhóm tàu lưới kéo và một số nghề bị cấm hoạt động ở vùng ven bờ có số lượng tàu lớn. Ngoài ra, số tàu khai thác ven bờ còn trên 1.100 tàu, trực tiếp gây áp lực lên nguồn lợi thủy sản.

Thực hiện các quy định về quản lý khai thác thủy sản, phát triển nghề cá bền vững, thời gian qua tỉnh đã giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh để giảm cường độ khai thác. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã giảm hơn 1.900 tàu cá, hiện còn 4.345 tàu (giảm hơn 30%), trong đó 60% hoạt động vùng khơi.

Tàu cá giảm chủ yếu ở nghề khai thác gần bờ hoặc tàu khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Nhóm tàu khai thác vùng ven bờ, vùng lộng cũng giảm từ 2.902 tàu năm 2020 còn 1.722 tàu hiện nay (giảm 40%). Đặc biệt, nghề lưới kéo (giã cào) thuộc thành phần này đã giảm hơn 300 chiếc, hiện còn 1.334 tàu (trong đó 89% là tàu hơn 15m hoạt động vùng khơi). 

Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, bên cạnh việc giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, trong quy hoạch phát triển, tỉnh khuyến khích ngư dân phát triển nghề lưới vây, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp chụp mực. Tỉnh cũng đang hoàn thiện đề án Chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản, bảo đảm sinh kế ổn định, lâu dài cho cộng đồng ngư dân.  

Bài, ảnh: NGỌC MINH

.
.
.