.

Cảng không 'xanh', tàu không ghé

Cập nhật: 18:01, 26/09/2024 (GMT+7)

Đến năm 2030, tiêu chí cảng xanh sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc và tàu sẽ không cập cảng nếu không đạt tiêu chí. Điều này đặt ra những thách thức lớn nhưng bắt buộc các DN cảng phải theo nếu không muốn bị loại khỏi sân chơi trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thách thức không nhỏ của doanh nghiệp cảng biển

Tổ chức Hàng hải Quốc tế đã đặt ra mục tiêu giảm khí thải nhà kính về mức 0 vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa rằng, chuyển đổi xanh không chỉ là một lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc trong cuộc cạnh tranh vận tải biển hiện nay. Các hãng tàu lớn của Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2040, 50% hàng hóa vận chuyển sẽ không phát thải carbon. Để thực hiện điều này, các tàu chạy bằng nguyên liệu thế hệ mới sẽ được đưa vào sử dụng, tạo áp lực lên các nhà cung ứng và cảng biển trong việc chuyển đổi xanh.

Xây dựng và khai thác cảng biển theo mô hình “xanh hóa”.
Xây dựng và khai thác cảng biển theo mô hình “xanh hóa”.

Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam) cho rằng, hành trình chuyển đổi cảng xanh thách thức đầu tiên là nguồn vốn, sau đó là hệ thống pháp lý và nguồn nhân lực. Cùng đó, các DN cần phải đầu tư không chỉ vào công nghệ mới mà còn vào đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu này. Sự chuyển đổi này đòi hỏi một cam kết mạnh mẽ và chiến lược dài hạn, không chỉ nhằm giảm thiểu phát thải mà còn để duy trì tính cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.

Tính toán từ các chuyên gia cho thấy, chi phí đầu tư cho cảng xanh có thể cao gấp 2-3 lần so với các phương tiện truyền thống. Quản trị công nghệ tiên tiến, rủi ro trong chuyển đổi số và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực đều là những thách thức lớn mà các DN cảng biển đang phải đối mặt.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, chi phí cho các dự án tự động hóa có thể tăng từ 11-12 ngàn tỷ đồng lên khoảng 30 ngàn tỷ đồng, khiến nhiều DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc đầu tư.

Tuy nhiên, các DN không thể không thực hiện. Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép cho biết, các hãng tàu lớn đã thông báo rõ ràng về các mục tiêu và mốc thời gian cụ thể để đạt phát thải bằng 0, có thể sớm hơn so với cam kết toàn cầu.

Một số DN đã gặp phải yêu cầu từ các hãng tàu rằng hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ phải được vận chuyển trên sà lan “xanh” và đến cảng “xanh” để được phép xuất khẩu. Nhiều hãng tàu hiện cũng yêu cầu các cảng cung cấp “tín dụng xanh” mới được tham gia đấu thầu, thể hiện rõ sự chuyển mình mạnh mẽ trong ngành vận tải.

Ông Phạm Hoài Trung, Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050, cảnh báo rằng nếu các cảng Việt Nam không thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh, họ sẽ không thể đón nhận các tàu lớn trong tương lai. Nếu tình hình này tiếp diễn, các tàu lớn sẽ chọn ghé các cảng khác, trong khi các cảng Việt Nam chỉ còn hoạt động như các cảng nhỏ (feeder), dẫn đến mất đi tính cạnh tranh.

“Trong bối cảnh chuỗi logistics toàn cầu đang hướng tới “xanh hóa”, những cảng không đáp ứng tiêu chí này sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Phạm Hoài Trung khẳng định.

Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng

Nhiều DN cảng biển đã cam kết và nỗ lực xây dựng cảng xanh để bắt kịp lộ trình, đáp ứng các tiêu chí bắt buộc sau năm 2030. Theo ông Trương Tấn Lộc, Chủ tịch HĐTV Cảng TCIT, trong thời gian tới, TCIT tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cấp thiết bị để xây dựng cảng xanh, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác cảng.

TCIT cũng đang nghiên cứu mua sắm thiết bị lọc nước sử dụng công nghệ lọc từ không khí kết hợp với năng lượng mặt trời. Nếu thành công, đây sẽ là một quy trình lọc nước xanh, vừa đảm bảo nguồn nước sạch cho sản xuất, vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Các DN cảng khác cũng hướng tới giao thông xanh, sử dụng phương tiện ít ô nhiễm và ứng dụng công nghệ số để giảm lượng phương tiện lưu thông trong cảng. Họ cũng đang triển khai các mô hình quản lý chất thải, đặc biệt là từ dầu nhớt của các phương tiện giao thông và tàu biển.

Theo các chuyên gia, để tạo ra hành lang vận tải xanh đồng bộ và hiệu quả, Nhà nước cần quy định rõ ràng về chuyển đổi xanh để tất cả các cảng biển thực hiện. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ tài chính, như miễn, giảm hoặc giãn thuế cho các dự án chuyển đổi xanh, và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia góp vốn vào dự án này. Cũng như tạo điều kiện cho các DN tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh và nhận hỗ trợ kỹ thuật.

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Trưởng Phòng Quan hệ công chúng Công ty CP Gemadept cũng cho rằng, cần có những ưu đãi về thuế và nguồn vốn vay ưu đãi tạo động lực cho DN mạnh dạn đầu tư vào chuyển đổi xanh, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích đầu tư xanh là rất quan trọng. Một môi trường kinh doanh ổn định và rõ ràng sẽ giúp DN an tâm hơn trong việc thực hiện các dự án bền vững.

Ngoài ra, cần điều chỉnh giá bốc xếp cảng biển, bởi hiện nay mức giá này vẫn còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng đầu tư mà còn tác động đến hiệu quả hoạt động của các cảng.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.