Nghề cá - Chuyển đổi để phát triển bền vững - Kỳ 1: Nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần
Đánh bắt hải sản không còn hiệu quả, lợi nhuận suy giảm đang diễn ra trong vài năm gần đây, nhiều ngư dân đã bán tháo bán đổ tàu cá, bỏ nghề.
Hải sản vừa cập bến Tân Phước (huyện Long Điền) đa số là cá nhỏ, cá tạp làm thức ăn chăn nuôi, giá trị thấp chỉ 5.000-6.000 đồng/kg. |
Xả bán ve chai vì tàu lưới kéo giờ không ai mua
Ông Huỳnh Tấn Nhất (ở ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) có 4 cặp tàu lưới kéo đôi đánh bắt xa bờ. Từ năm ngoái đến nay, tình hình đi biển thất bát, ông bị lỗ nặng. Năm 2023, mỗi cặp tàu lỗ từ 1-1,5 tỷ đồng. Năm nay lại tiếp tục lỗ bình quân 400 triệu đồng/cặp tàu nên ông đã bán “ve chai” hết một cặp tàu với giá 420 triệu đồng, trong khi giá trị cặp tàu này là hơn 3 tỷ đồng.
Ông đã rao gần 1 năm mà không bán được nên năm nay đành phải xả bán ve chai vì tàu nằm bờ lâu sẽ xuống cấp, mục nát. Hai cặp tàu khác ông chuyển quyền làm chủ cho người khác, chỉ giữ cổ phần.
Theo ông Nhất, nghề đánh bắt hải sản ở Phước Tỉnh trong 2 năm gần đây đi xuống trầm trọng. Số tàu lưới kéo (loại tàu chỉ được đánh bắt ở vùng khơi) nằm bờ, bán ve chai khá nhiều. Nhiều người thua lỗ, bán cả tàu vẫn không đủ tiền trả nợ. “Gần nhà tôi, có ông bạn có 1 cặp tàu lưới kéo đôi, đi biển thua lỗ thiếu nợ tiền vật tư, nguyên liệu mà cứ cố gồng gánh. Nhưng càng đi càng lỗ đến năm nay phải bán cả cặp tàu mà vẫn không đủ tiền trả nợ. Cả tháng nay nhà đóng cửa không biết đi đâu”, ông Nhất than thở.
Làng chài tỷ phú Phước Tỉnh “một thời vang bóng” hiện khá tiêu điều. Đi dọc bờ biển Phước Tỉnh có thể nhìn thấy hàng trăm tàu cá lưới kéo đang nằm bờ, chờ rao bán. Có tàu nằm bờ gần 2 năm xác xơ, chân tàu bám đầy vỏ hàu, xuống cấp trầm trọng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh kiểm tra giấy tờ và tuyên truyền các quy định chống khai thác IUU cho tàu cá xuất bến tại Trạm kiếm soát trên sông Cửa Lấp (huyện Long Điền). |
Theo UBND xã Phước Tỉnh, đến tháng 9/2024, toàn xã có 874 tàu cá, trong đó 90% là tàu trên 15m đánh bắt vùng khơi. So với cùng kỳ năm 2023, số lượng tàu giảm 109 chiếc do giải bản, bán ra ngoài tỉnh, mục nát, chìm… Đặc biệt, số tàu đánh bắt vùng khơi đang nằm bờ có 286 chiếc (chiếm 36,6%), do thua lỗ không có chi phí đi biển hoặc không đủ giấy tờ để đi đánh bắt xa bờ.
Tại các địa phương khác, ngư dân cũng gặp khó khăn khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt.
Ông Lê Hoàng Khanh ở phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu cho biết, ông có 2 tàu cá công suất 500CV và 820 CV hành nghề lưới rê đánh bắt xa bờ các loại cá thu, cá ngừ. Từ đầu năm đến nay, 2 chuyến biển (mỗi chuyến 2 tháng) đều bị lỗ từ 100-200 triệu đồng/tàu/chuyến. “Chuyến gần nhất tàu nhỏ lỗ 100 triệu đồng, tàu lớn lỗ 200 triệu đồng. Nguyên nhân do sản lượng khai thác và giá bán đều giảm mạnh”, ông Khanh nói.
Tại huyện Đất Đỏ, trong chương trình “Ăn sáng cùng ngư” dân ngày 14/9, phần lớn ngư dân đều phản ảnh tình hình khai thác thủy sản kém hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Lý (xã Lộc An) cho biết, từ năm ngoái đến nay, cặp tàu lưới kéo đi biển toàn bị thua lỗ. Đầu năm đến nay, 4 chuyến đi biển đều lỗ bình quân 200 triệu đồng/chuyến do sản lượng và giá trị đều giảm, chi phí, lương bạn lại tăng lên.
“Biển hết cá lớn, chúng tôi chỉ đánh bắt được cá nhỏ, bán cho chủ vựa, nhà máy làm thức ăn chăn nuôi, có 5-6 ngàn đồng/kg”, bà Lý nói.
Mong được tháo gỡ khó khăn
Theo ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, trước tình hình đi biển gặp nhiều khó khăn, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, địa phương đã tuyên truyền người dân chuyển đổi các ngành nghề phù hợp, thân thiện môi trường. Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi thuận lợi hơn, hỗ trợ ổn định cuộc sống trên bờ, huyện đã kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ.
“Hiện các sở, ngành đang tham mưu tỉnh xây dựng Đề án chuyển đổi ngành nghề cho nghề cá nhưng cũng mấy năm rồi. Chúng tôi mong tỉnh mau sớm có Đề án để địa phương có cơ sở, cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề, khai thác bền vững”, ông Hồng Như Vàng nói.
Ngư trường cạn kiệt, đi biển thua lỗ, hàng trăm tàu cá nằm bờ ở cảng Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. |
Ông Phan Thạch, Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, cho biết phần lớn tàu cá ở Phước Tỉnh làm nghề lưới kéo (khoảng 80%). Số lượng tàu lưới kéo hàng năm đều có giảm do ngư trường đánh bắt suy giảm, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần, cho nên nhiều chủ phương tiện làm ăn thua lỗ buộc phải bán đi hoặc gỡ bán phế liệu. Theo cảnh báo, nghề lưới kéo là nghề hủy diệt môi trường, trong tương lai sẽ mai một dần, đến mội giai đoạn nào đó sẽ không còn tồn tại để đảm bảo duy trì nguồn tài nguyên, phát triển ngành nghề khác.
Tuy nhiên việc chuyển đổi ngành nghề bà con ngư dân gặp rất nhiều khó khăn do vốn tự có không có. Mà để chuyển đổi từ nghề lưới kéo sang nghề khác thân thiện với môi trường như lưới, câu phải cải hoán tàu và thay máy, thay lưới rất tốn kém chi phí, vài tỷ đồng/tàu, ngư dân không đảm đương nổi. Một số chủ phương tiện có vốn tích lũy tự chuyển đổi qua nghề khác nhưng đi khai thác thủy sản không hiệu quả, thua lỗ nên nhiều chủ tàu cá rất do dự chuyển nghề.
Theo Chi cục Thủy sản, tính đến ngày 14/9, toàn tỉnh có 4.345 tàu cá đã đăng ký và quản lý trên phần mềm VNfishbase, giảm 379 tàu so với tháng 8/2023. Trong đó, giảm nhiều nhất là tàu trên 15m đánh bắt vùng khơi, giảm 136 tàu, hiện còn 2.623 tàu cá (chiếm 60,37 %). Kế đến là tàu hoạt động vùng ven bờ có chiều dài từ 6m đến dưới 12 m, giảm 120 tàu, hiện còn 1.108 tàu cá. Vùng lộng còn 610 tàu, giảm 36 tàu. Nguyên nhân giảm do tàu giải bản, hư hỏng, chìm hoặc làm ăn thua lỗ bán cho người khác,…
|
“Chúng tôi mong muốn tỉnh có chính sách tháo gỡ, phương án hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề, từ nghề có tính hủy diệt sang nghề khác, hoặc chuyển sang hẳn nghề dịch vụ khác trên địa bàn có được vốn chuyến đổi và ổn định sinh kế”, ông Thạch kiến nghị.
Bài, ảnh: NGỌC MINH
(Còn nữa)