Cẩn trọng với trào lưu mua sắm online

Thứ Sáu, 13/09/2024, 17:31 [GMT+7]
In bài này
.

Các hội, nhóm trên mạng xã hội như Facebook, Zalo đang trở thành "thiên đường" mua sắm cho nhiều chị em công sở. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích rõ rệt, hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính và mất kiểm soát chi tiêu.

Mua sắm online ngày càng xuất hiện nhiều trào lưu mới (hình minh họa).
Mua sắm online ngày càng xuất hiện nhiều trào lưu mới (hình minh họa).

Dễ chi tiêu quá đà

Một trong những điểm hấp dẫn của việc mua sắm online trong các nhóm trên mạng xã hội là sự tiện lợi. Người dùng chỉ cần tham gia các nhóm này là đã có thể tiếp cận với nhiều sản phẩm đa dạng mà không cần phải ra ngoài cửa hàng. Hầu hết các bài đăng đều có ảnh sản phẩm chi tiết, kèm theo giá và mô tả rõ ràng, giúp khách hàng dễ dàng quyết định mua sắm. 

Chị Hoàng Mai (nhân viên văn phòng tại Vũng Tàu) chia sẻ, nhờ tham gia một nhóm chuyên về thời trang công sở trên Facebook, chị đã tìm được nhiều sản phẩm đẹp và hợp với gu thời trang của mình. Giá cả trong các nhóm thường rẻ hơn, đôi khi có thể săn được những món đồ chất lượng với giá "mềm" hơn so với khi mua từ các thương hiệu lớn. Ngoài ra, các nhóm này cũng tạo ra môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa người mua và người bán, giúp khách hàng dễ dàng tìm hiểu chất lượng sản phẩm thông qua nhận xét từ những người mua trước.

Tuy nhiên, mặt trái của việc này là nguy cơ mất kiểm soát chi tiêu. Khi dễ dàng tiếp cận hàng loạt sản phẩm mới mỗi ngày, người mua có thể bị cuốn theo các chương trình khuyến mãi, giảm giá và cảm thấy áp lực phải mua sắm liên tục.

Chị Hoài Thanh, một nhân viên kế toán cho biết, có nhiều lần chị mua sắm mà không kịp suy nghĩ, chỉ vì thấy sản phẩm đẹp và rẻ. Kết quả là chị đã tiêu quá nhiều, dẫn đến cảm giác hối tiếc khi không sử dụng hết số hàng đã mua. "Mua sắm có thể mang lại niềm vui ngắn hạn, nhưng nó thường đi kèm với sự stress về tài chính sau đó", chị Thanh chia sẻ thêm.

Đừng rơi vào "bẫy" mua sắm

Một trong những lý do khiến chị em dễ “đốt tiền” trong các nhóm mua sắm là áp lực từ việc chạy theo xu hướng. Khi thấy đồng nghiệp hoặc bạn bè khoe những món hàng xịn với giá rẻ, họ dễ bị cuốn theo tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội, hoặc lo lắng bị "lạc hậu".

Khảo sát nhỏ tại một số văn phòng cho thấy, có đến 60% phụ nữ công sở thừa nhận rằng họ đã từng mua ít nhất một món đồ không cần thiết trong các hội, nhóm chỉ vì lo sản phẩm sẽ hết hàng hoặc bị ảnh hưởng bởi các đánh giá tích cực từ các thành viên khác. Nhiều người còn tiêu vượt mức tài chính, dẫn đến việc phải vay ngắn hạn hoặc trích từ các khoản tiết kiệm cho những nhu cầu cấp bách.

Một số người cũng thừa nhận rằng họ không thể kiểm soát được bản thân khi nhìn thấy sản phẩm giảm giá trong nhóm. Sau mỗi lần mua sắm, họ thường hối hận vì các khoản chi tiêu vượt kế hoạch.

Để không bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm mất kiểm soát, các chuyên gia tài chính khuyên chị em nên lập danh sách những món đồ thật sự cần thiết trước khi tham gia bất kỳ hội, nhóm nào. Đồng thời, xác định rõ ngân sách hàng tháng cho việc mua sắm và tuyệt đối không vượt quá số tiền đó.

Ngoài ra, một mẹo nhỏ là hãy tự hỏi bản thân: "Mình có thực sự cần món đồ này không". Việc trả lời trung thực có thể giúp bạn tránh khỏi những quyết định mua sắm bốc đồng và tập trung vào những giá trị thực sự.

Bài, ảnh: THANH NGA

 
;
.