.

Sớm có cơ chế phát triển điện mái nhà tự sản, tự tiêu

Cập nhật: 17:30, 15/08/2024 (GMT+7)

Chính quyền, ngành điện và DN trên địa bàn tỉnh đều đang mong chờ cơ chế khuyến khích được ban hành, tạo ra “đòn bẩy” thúc đẩy nguồn năng lượng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát triển.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp các DN tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh và giảm phát thải.  Trong ảnh: Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp các DN tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh và giảm phát thải. Trong ảnh: Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ.

Ai cũng mong cơ chế

Theo Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, đến thời điểm này, DN đã ký hợp đồng điện mặt trời mái nhà với khoảng 3.100 khách hàng, trong đó gần 2.400 khách hàng điện sinh hoạt, tổng công suất hơn 275.350 kWp. Nguồn điện này không chỉ giúp người dân, DN giảm tiền điện hàng tháng, bảo vệ môi trường, giảm áp lực cho ngành điện mà còn “bán” ngược trở lại. Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Nhiều DN chú trọng đầu tư điện năng lượng mặt trời không chỉ là giải pháp hiệu quả trong tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh mà còn hướng đến mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, đặc biệt là khi thị trường quốc tế  ngày càng đòi hỏi nhiều tiêu chí giảm phát thải”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, hiện nay, do chưa có cơ chế nên chỉ có các khách hàng lắp hệ thống điện có công suất nhỏ có thể đấu vào lưới điện để sử dụng và có thể bán ngược cho ngành điện.

Như tại Công ty TNHH Nitori Furniture Viet Nam, năm 2023, DN hoàn thành lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để tiêu thụ nội bộ với công suất 8MW. Tuy nhiên, do các quy định về giới hạn sản lượng và kết nối lưới điện, DN này chưa thể đấu lưới để sử dụng nguồn điện này.

Còn theo đại diện Công ty Kraft of Asia Paperboard & Packaging (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3), xác định điện mặt trời là nguồn năng lượng sạch, và góp phần giảm chi phí sản xuất, DN có định hướng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với công suất 7MW. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể đấu lưới điện với hệ thống thiết bị điện mặt trời áp mái nên DN vẫn chưa thể thực hiện.

Nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn đang “chờ” cơ chế để triển khai hệ thống điện mái nhà phục vụ sản xuất, kinh doanh. Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, phát triển điện mặt trời mái nhà là chủ trương chung của cả nước và của tỉnh. Theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bà Rịa - Vũng Tàu được phê duyệt tổng công suất điện mặt trời 133MW. “Hiện nay, tỉnh vẫn đang chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu để làm cơ sở triển khai thực hiện”, bà Vũ Bích Hảo cho hay.

Chính sách phải đơn giản, thuận lợi

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có văn bản chỉ đạo về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Trong đó khẳng định, đây là chính sách quan trọng để huy động nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đáp ứng mong mỏi của người dân, DN, giảm áp lực đầu tư phát triển nguồn điện cho Nhà nước.

Việc phát triển điện năng lượng tái tạo có hệ thống lưu trữ là cơ sở quan trọng để sớm điều chỉnh cơ cấu các nguồn điện, giảm nguồn điện sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại COP26. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định này bảo đảm chất lượng, tính khả thi, phù hợp thực tiễn, hiệu quả, tuyệt đối không để sơ hở, trục lợi chính sách, tạo cơ chế xin-cho.

Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, hiện nay Bộ Công thương đang xây dựng Nghị định cơ chế khuyến khích theo hướng tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.

Tuy nhiên, trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất lắp đặt trên 1 MW và lựa chọn bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.

Bộ Công thương cũng đề xuất mua tỷ lệ 20% công suất lắp đặt thực tế tại miền Bắc và 10% tại các khu vực còn lại. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần dư phát lên hệ thống điện quốc gia với giá áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành quy trình rút gọn việc thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật bảo đảm thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện đăng ký phát triển, đầu tư xây dựng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; phân cấp quản lý nhà nước cho các cơ quan cấp dưới để hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển, đầu tư xây dựng, lắp đặt, nghiệm thu, vận hành theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, phòng cháy và chữa cháy, môi trường, điện lực.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
.
.
.