Rừng dương, kè đá thúc thủ trươc biển-Kỳ 2: Chung sức lập tuyến phòng vệ
Chống lại quá trình xâm thực của biển cần đến giải pháp chung và đồng bộ, hiệu quả dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó là, kêu gọi chung tay của cộng đồng, nhất là các đơn vị, DN đang trực tiếp kinh doanh trên dải đất ven biển.
Công trình kè biển của Busadco đang phát huy tác dụng phòng chống biển xâm thực |
Chủ động ứng phó
Thực tế, trước đà xâm thực dữ dội của biển, nhiều DN du lịch đã tự xây kè chắn sóng. Chẳng hạn, KDL Viễn Đông (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) dùng cừ tràm đóng xuống biển, đổ đá hai bên và dằn bê tông lên tạo thành dải hàng rào dài gần 250m chắn sóng.
KDL Hương Phong cũng bảo vệ bãi biển bằng việc xây dựng tường bê tông dày 1m, chạy dọc theo mép biển. Bãi tắm Thanh Thanh tận dụng những tấm tôn cứng đã qua sử dụng ghép lại, tựa những lá chắn dọc theo khu bãi tắm để chống xói lở.
Khu vực bờ biển thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc bị sóng đánh tan tác, địa phương phải ra lệnh cấm tắm biển ở khu vực này để đề phòng nguy hiểm |
Khu vực gần khu biệt thự resort Rừng Dương (ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) nằm phía đầu nhánh sông Cửa Lấp là 1 trong 6 điểm được Sở KH-CN xác định có mức độ sạt lở cao trong tỉnh. Năm 2008, khi Công ty CP Rừng Dương xây dựng khu biệt thự resort Rừng Dương, biển đã xâm thực vào đất dự án 31m chiều ngang và 213m chiều dài, tổng diện tích đất bị nước biển cuốn trôi khoảng 7.000m2. Để triển khai dự án, DN này đã đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng kè chắn sóng dài khoảng 200m sử dụng công nghệ mềm stabiplage (của Pháp) được gia cố bởi cọc cừ polyme.
Năm 2020, khu Resort MGM Grand Hồ Tràm và The Grand Hồ Tràm Strip bị xói lở rất mạnh. Đường bờ biển bị sạt lở đến sát chân tường khu khách sạn nên chủ đầu tư đã xây dựng công trình kè dài khoảng 500m mái nghiêng kết cấu cứng để bảo vệ. Bờ kè này giúp khu khách sạn ổn định đến nay.
Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, từ tháng 4 đến tháng 12 âm lịch hàng năm, hiện tượng biển xâm thực diễn ra mạnh nhất. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 300km bờ biển, chỉ từ năm 2013 đến nay, đã có gần 70km bờ biển bị xói lở, năm 2014, tốc độ xói lở tăng gấp 3 lần so với năm 2010, nhiều nơi biển ăn sâu vào đất liền 70-150m. |
Cần giải pháp đồng bộ
Tháng 10/2017, UBND tỉnh đặt hàng Công ty CP Khoa học-Công nghệ Việt Nam (BUSADCO) thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển để bảo vệ bờ sông, biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”. Dự án thử nghiệm xây dựng một đoạn bờ kè sông và biển với chiều dài 100m tại sông Dinh, thuộc phường Phước Trung (TP.Bà Rịa) và một đoạn bờ biển Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc). Đến tháng 11/2020, các tuyến kè sông, biển với công nghệ cấu kiện lắp ghép bê tông cốt sợi phi kim đã được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng.
Hiện nay, BUSADCO tiếp tục sản xuất cấu kiện kè bê tông phi kim đúc sẵn để thi công lắp đặt cho đoạn kè phá sóng xa bờ, bãi bồi tạo bãi với cao trình 1,5m, tổng chiều dài 200m tại xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc) và 1,4km kè Sông Ray cho các chủ đầu tư ngoài Nhà nước… Tính đến nay, công trình kè biển của BUSADCO đang phát huy giá trị chắn sóng tốt sau 7 năm đưa vào sử dụng.
Theo Sở TN-MT, từ năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là chống xói lở bờ biển, bảo vệ khu dân cư; đồng thời bảo vệ vùng sản xuất, cơ sở hạ tầng, các công trình bên trong. Theo đó, khu vực bị xói lở nghiêm trọng hoặc đang có nguy cơ xói lở được đưa vào danh mục bảo vệ khẩn cấp. Theo Sở TN-MT, toàn tỉnh có 40 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài bờ biển hơn 48.618m. |
Theo ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty BUSADCO, công nghệ bê tông cốt phi kim là giải pháp kè gây bồi tạo bãi, quây đê lấn biển. Việc sử dụng cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ, đê biển, tạo ra các bờ bao có nhiều hình dạng kích thước khác nhau, kết hợp với cấu kiện chống cát chảy được lắp đặt khép kín với bờ. Cấu kiện sẽ tự sắp xếp, ổn định, bồi lắng, biến đổi theo dòng chảy tạo ra hệ cân bằng để chống lại dòng xoáy, dòng chảy không ổn định tại các khu vực bị xâm thực mạnh, từ đó có thể gây bồi, tạo bãi theo các hình dạng và kích thước khác nhau. Cấu kiện chống cát chảy để gây bồi được liên kết với nhau bằng mối nối âm dương kết hợp thanh cốt phi kim tạo thành hệ liên kết thống nhất bền vững.
Hiện tượng biển "nuốt" đất liền sẽ ngày càng khắc nghiệt, do đó cần có các giải pháp ngăn chặn nguy cơ mất đất. Trong ảnh: Một góc bờ biển Lộc An bị sóng biển đánh tan hoang |
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, cùng với các giải pháp khoa học công nghệ ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển, cơ quan chức năng của tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp mềm khác như kiên quyết cấm khai thác cát vùng cửa sông, ven biển, nhất là tại các khu vực thường xảy ra tình trạng sạt lở. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho Nhân dân, nhất là người dân ở khu vực ven biển về bảo vệ tài nguyên, môi trường sống, về những tác nhân gây biến đổi khí hậu càng được tăng cường. Hơn ai hết, cộng đồng dân cư mới thật sự là lực lượng giám sát, bảo vệ tốt nhất môi trường sống cho chính mình.
Bài, ảnh: QUANG VŨ