.

Kiểm soát nguy cơ ô nhiễm trong khu công nghiệp

Cập nhật: 17:51, 28/08/2024 (GMT+7)

Để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp nhằm kiểm soát nguy cơ ô nhiễm trong các KCN, trong đó có nhiệm vụ giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu Net Zero.

Kỹ sư kiểm tra hệ thống quan trắc môi trường tự động tại KCN Phú Mỹ 1.
Kỹ sư kiểm tra hệ thống quan trắc môi trường tự động tại KCN Phú Mỹ 1.

Đối mặt với ô nhiễm

Những năm gần đây, người dân sống ở các phường: Mỹ Xuân, Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ) thường xuyên phản ánh tình trạng xả khói thải mù mịt của một số nhà máy tôn, thép trong KCN Phú Mỹ I, Phú Mỹ II. Ông N.T.P. (khu phố Quảng Phú, phường Phú Mỹ) cho biết, vào mùa mưa, thỉnh thoảng đứng trên các tòa nhà cao tầng thì thấy không gian mù mịt do khói từ một số nhà máy trong KCN gần đó phát thải. 

Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN-MT nhận định, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, Bà Rịa-Vũng Tàu đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó đã xuất hiện một số khu vực có dấu hiệu ô nhiễm không khí. Hoạt động phát thải vào không khí có nguy cơ cao cho môi trường đã được nhận diện như sản xuất thép, xi măng, hóa chất; chế biến hải sản, bột cá, xử lý chất thải trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, bụi từ quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản, xây dựng công trình, giao thông vận tải…

Theo báo cáo của Sở TN-MT, toàn tỉnh có 10 cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải lớn, trong đó tập trung tại các KCN trên địa bàn TX.Phú Mỹ như: Công ty CP Giấy Mỹ Xuân, Công ty TNHH Thép Posco Việt Nam, Công ty CP Hóa chất hiếm Việt Nam, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ... Đối với các nguồn thải có chứa yếu tố độc hại (chứa hóa chất, các chất có độc tố mạnh, chất ô nhiễm tồn lưu), tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 35 cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao cũng đều hoạt động trong các KCN.

TX.Phú Mỹ hiện có 6 nhà máy luyện thép đang hoạt động tại KCN Phú Mỹ I, II nằm gần khu dân cư. Các nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải và một số nhà máy đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Trung tâm quản lý của tỉnh nhưng vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Hữu Thông, Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã thực hiện công tác bảo vệ môi trường không khí thông qua các hoạt động tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường; từng bước kiểm soát và khắc phục các vấn đề môi trường còn tồn đọng trên địa bàn; thu hút và lựa chọn các dự án đầu tư thân thiện với môi trường… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trong KCN vẫn còn nhiều khó khăn như: vấn đề mùi hôi phát sinh từ các cơ sở sản xuất; các dự án đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm có phát sinh mùi, khói đen; nguồn lực để thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí còn hạn chế...

Giảm phát thải nhà kính 

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, các KCN chính là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở sản xuất có phát thải khí nhà kính, đặc biệt là các ngành sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện, xử lý chất thải rắn... Theo khoản 1, điều 6, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp như thép, xi măng có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ban Quản lý các KCN tỉnh cho hay, sau đợt tập huấn, hướng dẫn của Bộ TN-MT, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ yêu cầu các DN trong KCN có phát thải lớn thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đồng thời đề xuất các giải pháp để tiến tới trung hòa carbon trong KCN.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí trong KCN và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0", UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1866/QĐ-UBND về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh; thực hiện các giải pháp tổng thể về bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu phát thải nhà kính theo từng ngành và lĩnh vực.

Đồng thời, tỉnh nhất quán chủ trương lựa chọn các dự án đầu tư ít phát thải khí nhà kính, mang lại giá trị kinh tế cao; kêu gọi DN sử dụng nhiên liệu sạch; tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, thực hiện chuyển đổi sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời... trong sản xuất để giảm lượng phát thải khí CO2, bảo đảm không thải ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính; thúc đẩy tiêu dùng bền vững...

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, Sở TN-MT đã tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ; vận hành các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền, kết nối liên tục, không bị gián đoạn, công bố chỉ số chất lượng không khí xung quanh trên các phương tiện truyền thông.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.