Kỳ 2: Cần có chính sách hỗ trợ di dời hiệu quả
Còn khoảng 4 tháng nữa là đến thời hạn hoàn thành việc di dời (ngày 31/12/2024), tuy nhiên thời điểm này, tỷ lệ cơ sở chăn nuôi nằm trong vùng không được phép chăn nuôi đã di dời rất thấp do nhiều nguyên nhân.
Một hộ nuôi bò nằm trong vùng không được phép chăn nuôi thuộc TT.Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) sẽ phải di dời trước ngày 31/12/2024. |
Tỷ lệ di dời còn thấp
Ông Trần Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ cho biết, theo lộ trình, năm 2023 huyện sẽ phải thực hiện di dời 50% cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép. Đến cuối năm 2024 hoàn thành công tác di dời, chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trong khu dân cư.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2024, trên địa bàn huyện mới có 224/917 cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động, đạt trên 24%, thấp so với lộ trình đề ra. Nguyên nhân là còn nhiều hộ dân chưa đồng thuận di dời, còn trì hoãn chưa chấp hành việc di dời, chấm dứt hoạt động.
Huyện Châu Đức cũng đã thống kê được 1.027 hộ chăn nuôi; 42 cơ sở nuôi chim yến nằm trong vùng không được phép chăn nuôi.
“Huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và yêu cầu các cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) chấm dứt hoạt động theo kế hoạch được phê duyệt; phối hợp tổ kiểm kê huyện lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện gửi về UBND huyện và thực hiện quản lý hoạt động chăn nuôi theo quy định”, ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức thông tin.
Đối với người dân, đồng tình với chủ trương cần di dời để tránh ô nhiễm môi trường, tuy nhiên trên thực tế cũng do còn nhiều khó khăn nên chưa thể triển khai theo quy định.
Bà Lương Thị Mười (ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa cho biết: “Bao nhiêu năm qua, tôi chỉ biết nuôi heo chứ không làm thêm nghề gì khác. Mọi khoản chi phí của gia đình đều trông cậy vào đàn heo. Giờ nếu phải di dời thì gia đình không biết dời đàn heo đi đâu vì không có đất, vốn để đầu tư lại chuồng trại cũng không có. Còn sau ngày 31/12/2024, phải ngưng chăn nuôi thì không có thu nhập để lo cho gia đình, trong khi vợ chồng tôi cũng lớn tuổi rồi nên muốn chuyển đổi nghề cũng khó”.
“Sở NN-PTNT chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách phân loại các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi năm 2024 nhằm đảm bảo hoàn thành 80-100% số cơ sở chăn nuôi cần di dời, chấm dứt hoạt động”, ông Huỳnh Sơn Thái cho biết. |
Đề xuất giải pháp hỗ trợ
Tại các buổi làm việc với Đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh, phản ánh thực tế khó khăn thì các địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp để việc triển khai NQ14 đạt hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa cho biết, trên địa bàn còn nhiều hộ dân sinh sống thu nhập chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, trong đó có hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số không có quỹ đất để canh tác trồng trọt và còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chuyển đồi nghề.
Mặc dù vậy, thành phố sẽ nỗ lực để hoàn thành việc di dời các cơ sở chăn nuôi nằm trong vùng không được phép chăn nuôi và quản lý chặt các nhà yến. Tuy nhiên, thành phố cũng đề nghị các ngành chức năng liên quan xem xét cho phép duy trì chăn nuôi ở các khu vực có mật độ dân cư thưa, khu quy hoạch chức năng nhưng chưa triển khai thực hiện để các hộ dân có thu nhập ổn định cuộc sống.Trước mắt, thành phố cũng đã tìm hiểu, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn thành phố để hỗ trợ người dân có thể chuyển đổi ngành nghề...
Còn theo ông Hồng Như Vàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, dù là một trong những địa phương triển khai tốt các công việc trong quá trình thực hiện NQ14, nhưng để có thể hoàn thành việc di dời theo kế hoạch, UBND huyện kiến nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ chi phí tháo dỡ, di dời hoặc chấm dứt hoạt động; gia hạn thời gian di dời, chấm dứt hoạt động đối với các đối tượng là hộ chăn nuôi có vay vốn từ Ngân hàng CSXH, các tổ chức tín dụng, hộ đang hoạt chăn nuôi theo các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hộ có lao động lớn tuổi.
Đồng thời, có chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi thuộc diện di dời được vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề.
Theo ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt NQ14 đảm bảo đúng lộ trình đến ngày 31/12/2024 toàn tỉnh sẽ hoàn thành công tác di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong các khu vực không được phép, Sở cũng thường xuyên nắm bắt tiến độ, tăng cường đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đầy đủ hơn đến các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ về chủ trương cũng như các chính sách hỗ trợ của tỉnh liên quan đến việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU