Không chỉ lấn chiếm mặt đường rộng lớn, sầm uất để kinh doanh buôn bán, những năm gần đây nhiều tuyến hẻm trên địa bàn TP. Vũng Tàu cũng trở thành quán ăn, chỗ đậu xe… khiến những tuyến hẻm trở nên chật chội, đi lại khó khăn.
Hẻm 116 Lê Lai, phường 3, TP. Vũng Tàu thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi để xe máy, đồ đạc và kinh doanh buôn bán. |
Nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị
Hẻm 116 Lê Lai (phường 3, TP. Vũng Tàu) chỉ rộng khoảng 4m nhưng buổi sáng phía ngoài quán hủ tiếu tận dụng làm bãi đậu xe máy; phía trong là quán bún được bày tủ, bàn ghế nhựa cho khách ngồi dưới lòng đường hẻm. Buổi tối, quán lẩu bò lấn chiếm hết gần ½ lòng đường để đậu xe. Bà N.T.Th. - một người dân sống trong hẻm 116 cho biết, các hộ kinh doanh buôn bán lấn chiếm hẻm khiến việc đi lại của người dân trong hẻm rất khó khăn.
Hẻm 93 Lê Lợi, phường 4, TP. Vũng Tàu có chiều rộng khoảng 8m nhưng nhiều năm qua, người dân chỉ thấy chưa được một nửa bề rộng của hẻm. Hai bên đường, nhà thì bày bàn, ghế ra bán cà phê, xem bóng đá; nhà thì chái chòi bên hông để tập kết vật liệu xây dựng… Ngay từ đầu hẻm, hai bên là hai dãy ô tô, xe máy sắp đầy, ngổn ngang. Ở nhánh trái của hẻm này, quán ăn, quán cà phê cũng cho khách để 2 dãy xe ô tô đậu chật kín cả lối đi khiến đường hẻm 8m nhưng không khác nào một cái bãi đậu xe công cộng.
Tình trạng lấn chiếm hẻm để kinh doanh buôn bán cũng diễn ra phổ biến tại nhiều phường khác, đặc biệt là các phường tập trung đông khách du lịch. Tại phường 2, các tuyến hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám, Võ Thị Sáu… nhiều năm qua người dân coi việc lấn hẻm để mở quán ăn, bán đậu hủ, bày xe điện cho thuê như chuyện bình thường trên đất nhà mình. Bà S. - một người bán hàng tại hẻm 81 Thùy Vân (phường 2, TP. Vũng Tàu) cho biết: “Bán trong hẻm mà, có ảnh hưởng đến ai đâu”. Nhưng những người kinh doanh buôn bán đâu biết rằng, người dân sống trong hẻm phải nhẫn nhịn vì hàng xóm còn nhìn mặt nhau. Bà M.S bức xúc: "Hẻm bị “lấn” buôn bán suốt ngày đêm. Sáng thì bán cà phê, hủ tiếu, cơm tấm; chiều thì cháo trắng, ốc đắng kiêm luôn “quán nhậu”. Lúc nào bàn, dù, ghế và vật dụng cũng choán hơn nửa hẻm, khuất luôn tầm nhìn, gây mất an toàn cho người dân khi lưu thông trong hẻm".
Theo khảo sát của phóng viên, vào các ngày cuối tuần, việc lấn hẻm kinh doanh buôn bán càng “phình” ra. Không chỉ có một vài hộ bán quán ăn, nước uống, một số tuyến hẻm người dân còn họp chợ, buôn bán sôi động. Cụ thể, hẻm 30 Hoàng Hoa Thám (phường 2, TP. Vũng Tàu) hay còn có tên gọi là đường Văn Cao (đường nội khu) suốt nhiều năm qua đã trở thành “chợ cóc” với đủ các loại buôn bán rau, củ, hải sản… khiến khu vực này vừa ô nhiễm môi trường, vừa nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Phía trong hẻm, các nhà nghỉ, homestay tận dụng các bãi đất trống để làm dây phơi khăn, chăn, ra, gối, nệm… sau mỗi lần dọn phòng.
Bà Trần Thị Toàn, khu phố trưởng khu phố 6, phường 2, TP. Vũng Tàu cho biết, khu phố đã phối hợp với Công an khu vực đến tận các cơ sở kinh doanh yêu cầu các hộ ký cam kết giữ môi trường, mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều hộ vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định.
Mất an toàn khi xảy ra sự cố
Thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP.Vũng Tàu, toàn thành phố có 1.209 tuyến hẻm. Hiện đội trật tự đô thị thành phố chỉ tập trung xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường các đường chính, đường lớn. Các tuyến hẻm do phường quản lý. Trong khi đó, theo lãnh đạo một phường trên địa bàn TP. Vũng Tàu, hầu hết người buôn bán trong hẻm là lao động nghèo, nên phường cũng tạo điều kiện cho bà con mưu sinh với điều kiện không được cản trở lưu thông, gây mất mỹ quan đô thị. Đối với những trường hợp bà con trong hẻm có phản ánh về tình trạng buôn bán lấn chiếm gây khó khăn đi lại ở các hộ này thì phường sẽ kịp thời nhắc nhở, xử lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm hẻm làm nơi buôn bán hoặc phục vụ cho sinh hoạt của hộ gia đình, hộ kinh doanh vẫn chưa được các địa phương thật sự quan tâm.
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, nhiều người dân phản ánh, tình trạng đậu xe tại các tuyến hẻm, tình trạng lấn chiếm hẻm để kinh doanh, buôn bán, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây nguy cơ mất an toàn. Từ đó, cùng với việc giải quyết, xử phạt các trường hợp đậu xe ô tô trong hẻm dưới 6m, TP. Vũng Tàu đã chỉ đạo các phường thường xuyên nhắc nhở những người dân không lấn chiếm lối đi; giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự mỹ quan đô thị. “Nguyên tắc chung là đường đô thị dù là trong hẻm nhưng vẫn phải bảo đảm vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường thông suốt cho các phương tiện giao thông đi lại, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông; vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Như vậy đường đi chung trong các hẻm phải được sử dụng đúng mục đích, không ai được phép lấn chiếm, sử dụng việc đặt, để đồ dùng hoặc buôn bán riêng cho mình”, ông Vũ Hồng Thuấn khẳng định.
Việc lấn chiếm các đường hẻm không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời hạn chế và cản trở công tác cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Do đó, rất cần sự quản lý và tự ý thức của người dân để hẻm phố thông thoáng, sạch đẹp hơn.
Bài, ảnh: QUANG VŨ