Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khoa học - Công nghệ Việt Nam (Busadco) cho biết, từ ngày 16/8 Busadco bắt đầu thi công bờ kè chống sạt lở bờ biển sông Ray (huyện Xuyên Mộc).
Theo đó, Busadco thi công tuyến kè này bằng giải pháp lắp ráp công nghệ bê tông cốt phi kim. Bờ kè được ghép lại bằng từng khối cấu kiện bê tông cốt phi kim hình chữ A cao 4m, rộng 4,1m chiều dài loại 2m và loại 1,5m với hai rãnh âm-dương để gắn kết với nhau, tạo nên bộ khung cho tuyến kè.
Tuyến sông Ray đang bị sạt lở nghiêm trọng |
Để di chuyển lắp ráp các cấu kiện phải dùng đến cẩu loại lớn. Công nhân móc trục vào các lỗ hổng của cấu kiện để di chuyển đến đúng vị trí. Những cấu kiện rỗng sau khi lắp ráp sẽ được bơm đầy cát và bít những lỗ trống lại.
Theo đánh giá của Sở Khoa học - Công nghệ, ngoài các ưu điểm vượt trội về kỹ thuật, thi công, sản phẩm này còn có giá thành rẻ hơn so với các giải pháp truyền thống từ 30-40%.
Theo hợp đồng, 500m bờ kè sẽ được thi công trong 7 tháng với tổng giá trị hơn 25 tỷ đồng do Công ty TNHH khu du lịch Sông Ray làm chủ đầu tư. Tuyến được tách thành 2 đoạn mỗi đoạn 250m để thi công.
Phối cảnh kè biển sông Ray sau khi hoàn thành công trình kè chống sạt lở của Busadco |
Được biết, dải đất khu vực hạ lưu sông Ray với địa hình một bên là sông, một bên là biển, cùng với nền đất yếu, chủ yếu là cát nên thường xuyên xảy ra tình trạng xói mòn, sạt lở nghiêm trọng. Đối diện với cảng cá Lộc An, tình trạng này vừa làm giảm diện tích đất vừa làm ảnh hưởng đến việc ra vào của tàu thuyền đánh cá.
Theo Busadco, tuyến kè 500m Sông Ray sẽ giúp tiết kiệm khoảng 1ha đất để đầu tư kinh doanh phát triển du lịch, bảo vệ bờ chống xói lở, đồng thời tạo ra nền đất để có thể xây dựng các công trình.
Trước đó, năm 2021-2022, Busadco đã thi công thành công tuyến kè biển sông Ray dài 3km và 1,5km tuyến bờ biển Lộc An cũng bằng công nghệ bê tông cốt phi kim. Đến nay các công trình vẫn phải huy tốt vai trò chống sạt lở cho vùng cửa sông, cửa biển.
Tin, ảnh: QUANG VŨ