Xây dựng, phát triển nghề cá bền vững

Thứ Năm, 11/07/2024, 17:29 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng với sự phát triển của kinh tế biển, ngành thủy sản đã góp phần đáng kể vào giá trị kinh tế của tỉnh, không chỉ bảo đảm sinh kế cho nhiều người dân, mà còn mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn.

Chế biến cá đục xuất khẩu ở Công ty TNHH Tứ Hải (TP.Vũng Tàu).
Chế biến cá đục xuất khẩu ở Công ty TNHH Tứ Hải (TP.Vũng Tàu).

Tăng trưởng tốt

Nhờ khai thác tốt lợi thế chiều dài hơn 300km bờ biển và sự đầu tư phát triển đúng hướng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trở thành một trong những trung tâm nghề cá lớn của cả nước với sản lượng hải sản khai thác hơn 350 ngàn tấn/năm. Nhiều năm qua, ngành thủy sản của tỉnh đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời kỳ 2011-2020, ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất và có đóng góp lớn nhất giá trị trong nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 66,6% và 7,7% GRDP của tỉnh.

Cùng với sự phát triển trong lĩnh vực khai thác và đánh bắt hải sản, những ngành dịch vụ kèm theo cũng phát triển tương xứng, tạo nên công ăn việc làm cho rất nhiều người dân bản địa. Tổng số tàu cá toàn tỉnh đến ngày 15/6/2024 là 4.464 tàu, trong đó tàu hoạt động vùng khơi chiếm 60%. Sản lượng khai thác thủy sản trong giai đoạn 2015-2020 tăng từ 300 ngàn lên hơn 350 ngàn tấn năm 2023, đạt tốc độ tăng bình quân 7,57%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đánh bắt 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 200 ngàn tấn.

Không chỉ đánh bắt mà ngành nuôi trồng thủy hải sản cũng có tiềm năng lớn. Diện tích tiềm năng nuôi thủy sản hiện nay vào khoảng hơn 16 ngàn ha với sản lượng nuôi thương phẩm trung bình 22 ngàn tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TM-DV Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết những năm qua, ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh có những bước phát triển tốt. Lãnh đạo tỉnh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản, tăng cường áp dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất và sản lượng nguyên liệu thủy hải sản đáp ứng cho yêu cầu của ngành chế biến.

Ngày 12/7/2024, Hội Nghề cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Đại hội khóa III, nhiệm kỳ 2024-2029 tại Trung tâm Hội nghị Đào Tuấn (TP.Vũng Tàu). Tại đại hội, Hội Nghề cá tỉnh sẽ thông qua báo cáo hoạt động của hội giai đoạn 2016-2024, kế hoạch 2024-2029 và công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2024-2029.

Việc ứng dụng công nghệ cao giúp các cơ sở chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch bệnh, chất lượng sản phẩm đạt một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP... Hiện trên địa bàn tỉnh có 23 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 429 ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao hiện nay đã đạt 46,54%. Nhiều DN đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao như: Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Minh Phú, Công ty Cổ phần Thủy sản Phước Hải, Ngọc Tùng, Mạnh Cường, HTX nông nghiệp Quyết Thắng, Farm Liên Giang,…

Tiềm năng xuất khẩu thủy sản

6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 110 triệu USD, đứng thứ ba trong các nhóm ngành sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao của tỉnh, chỉ sau kim loại và chất dẻo. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của ngành chế biến và xuất khẩu thủy hải sản trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Theo kết quả khảo sát của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 446 DN, cơ sở, hộ cá thể sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản, với tổng công suất chế biến trung bình hàng năm khoảng 250.000 tấn thành phẩm/năm. Trong đó có 42 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP, 30 nhà máy đủ điều kiện tham gia xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Hầu hết các nhà máy còn lại đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như: Thái Lan, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Nga,…

Ông Đào Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải, chia sẻ những thăng trầm khi đơn vị là DN tư nhân đầu tiên của tỉnh được thành lập vào năm 1991, cùng ngành thủy sản tỉnh vượt qua bao khó khăn trong những ngày đầu tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Đến nay ở quốc gia nào có thủy sản chế biến của Việt Nam thì nơi đó có sản phẩm của Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất khẩu đi hơn 40 nước, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 200 triệu USD/năm với nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú. Ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid 19, hay xung đột Nga-Ukraine, chiến sự Biển Đỏ,  các DN chế biến và xuất khẩu của tỉnh vẫn nỗ lực với những kết quả tốt.

Ông Abe Shinichi, Giám đốc Công ty Ace Marine Nhật Bản, cho biết người tiêu dùng Nhật Bản đã được thưởng thức hải sản chế biến của Bà Rịa - Vũng Tàu từ hàng chục năm nay và DN đã hợp tác với các DN chế biến Bà Rịa-Vũng Tàu để phát triển sản phẩm trên thị trường Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản càng khó tính thì càng khẳng định giá trị và chất lượng của hải sản tỉnh các bạn.

Tuy nhiên ngành thủy sản hiện nay đang đối mặt nhiều khó khăn thách thức. Đó là cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu mà các DN thủy sản tỉnh phải chung tay cùng cả nước khắc phục. Ngoài ra, việc quy hoạch phát triển ngành thủy sản hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của ngành.

 “Chính phủ và lãnh đạo tỉnh cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế biển, ưu tiên hơn cho phát triển ngành thủy sản. Đồng thời, cần có sự đánh giá lại, phân tích cụ thể về tiềm năng, cơ hội phát triển, đặc biệt là giá trị thương hiệu mà ngành chế biến thủy sản đã xây dựng nên trong nhiều năm qua trên thương trường quốc tế”, ông Tuấn kiến nghị.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

;
.