Doanh nghiệp khai thác thị trường gần để đẩy mạnh xuất khẩu

Chủ Nhật, 28/07/2024, 18:46 [GMT+7]
In bài này
.

Với sự linh hoạt, đẩy mạnh khai thác thị trường gần như Trung Quốc, các nước ASEAN... đang được xem là chiến lược giúp DN đẩy mạnh xuất khẩu.

Công nhân Công ty CP Cao su Hòa Bình chế biến mủ cao su tại xí nghiệp.
Công nhân Công ty CP Cao su Hòa Bình chế biến mủ cao su tại xí nghiệp.

Trong 2 năm trở lại đây, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng sụt giảm mạnh do nhu cầu tiêu dùng giảm. Thêm vào đó, giá cước vận tải biển sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Đông tăng trung bình khoảng 30% trong nhiều tháng qua và dự kiến sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Điều này không chỉ gây áp lực lớn cho những cơ sở lưu trữ bởi lượng hàng tồn kho cao, mà còn đặt ra những thách thức lớn đối với hầu hết các DN xuất nhập khẩu như gỗ, thủy sản, nông sản, dệt may, da giày…

Trong khó khăn, các DN đã từng bước thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển sang các thị trường gần như khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... để đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi đây là những thị trường được đánh giá rất tiềm năng nhờ dân số đông và nhu cầu tiêu dùng đa dạng, từ phân khúc trung bình đến cao cấp và giúp giảm chi phí vận chuyển.

Bà Mai Thị Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Tùng cho biết, tình hình xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến DN tăng thêm chi phí. Thêm vào đó, giá cước vận tải biển tăng cao đã tác động tới hoạt động kinh doanh của công ty. Để duy trì và phát triển sản xuất, trước mắt công ty chuyển đổi tập trung vào thị trường bán lẻ và thị trường khác gần hơn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, với sự biến động thời tiết và hiện tượng El Nino đến sớm, khiến cho các quốc gia cung ứng cao su nguyên liệu lớn nhất thế giới như Thái Lan, Indonesia suy giảm dẫn tới nguồn cung cao su nguyên liệu giảm mạnh. Trong khi đó, nhu cầu cao su nguyên liệu của thế giới lại tăng vọt, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. 

Nắm bắt cơ hội, Công ty CP Cao su Hòa Bình đã đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường xúc tiến vào thị trường này. Không chỉ tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn giúp DN phát triển và mở rộng các thị trường gần. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu 520 ngàn USD, đạt 30% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm gần 40%. 

Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến hải sản xuất khẩu  tại xưởng.
Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến hải sản xuất khẩu tại xưởng.

Ông Vũ Quang Khải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Hòa Bình cho biết, để tăng số lượng, kim ngạch xuất khẩu, ngoài thị trường Đức, công ty đẩy mạnh hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, công ty cũng sản xuất thêm một số sản phẩm mới như sản phẩm cao su 3R mix nhằm đa dạng hóa các sản phẩm để cung cấp cho Trung Quốc. Bởi đây là thị trường đông dân và có tiềm năng lớn, nhu cầu sản xuất công nghiệp cao.

Nhờ linh hoạt, đa dạng hóa thị trường, nhiều DN xuất khẩu của tỉnh đã duy trì và phát triển sản xuất. Qua đó, giúp tình hình xuất khẩu 6 tháng đầu năm của tỉnh dần phục hồi và tăng trưởng tích cực. 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô toàn tỉnh đạt hơn 2,65 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Thị trường châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao 68,95% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 16,86% so với cùng kỳ. 

Cùng với những nỗ lực của DN, ngành công thương cũng đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ DN tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo khuyến cáo của ngành công thương, mỗi thị trường sẽ có những đặc trưng riêng, DN cần tìm hiểu thị hiếu, đánh giá nhu cầu, quy định hàng hóa của từng quốc gia để có kế hoạch, chiến lược xuất khẩu phù hợp. 

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.